Một tuần 7 ngày, chúng ta có 5 ngày làm việc, 2 ngày nghỉ cuối tuần. Đó là một cách tổ chức lao động phổ biến trên khắp thế giới này. Có bao giờ bạn tự hỏi: Ban đầu, tuần làm việc 5 ngày từ đâu mà có?
Từ lâu, trong các quan niệm về thời gian của con người, các nhà khoa học đã hiểu rằng khái niệm về tuần không phải là một khái niệm đến từ thế giới tự nhiên bởi không có bất cứ hiện tượng tự nhiên nào diễn ra lặp lại với chu kỳ 7 ngày. Nói cách khác, khái niệm về tuần là một khái niệm nhân tạo, do con người tự thống nhất với nhau.
Nếu năm đánh dấu một vòng quay của trái đất xung quanh mặt trời; nếu tháng đánh dấu một chu kỳ trăng tròn; thì tuần không có liên quan đến bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào.
Nguồn gốc của 7 ngày tạo nên một tuần có thể được lần lại từ khoảng 4.000 năm trước ở nền văn minh Babylon (ngày nay là đất nước Iraq). Thời đó, người Babylon tin rằng có 7 hành tinh trong hệ mặt trời và con số 7 nắm giữ sức mạnh tâm linh đối với họ đến mức họ tạo ra một khái niệm 7 ngày, gọi là tuần.
Khái niệm này dần dần lan truyền cả về chiều rộng không gian và chiều dài thời gian đến những nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Về sau, khái niệm tuần càng được củng cố trong nền văn hóa phương Tây từ thời điểm 250 năm trước khi Chúa giáng thế.
Tài liệu cổ nhất còn lưu giữ được, trong đó có sử dụng từ “weekend” (cuối tuần) là một tờ tạp chí của Anh in ấn hồi năm 1879 có tên “Notes and Queries”.
Trong đó, người ta giải thích từ mới “weekend” cho độc giả rằng: “Ở hạt Staffordshire, nếu một người rời khỏi nhà vào thời điểm cuối của tuần làm việc, khoảng trưa hay chiều thứ 7 để có một buổi tối thứ 7 và ngày chủ nhật vui vẻ bên bạn bè ở ngoại ô, người ta sẽ nói ngắn gọn là đi nghỉ cuối-tuần (week-end)”.
Ở thế kỷ 19, người Anh thường dùng ngày chủ nhật để tổ chức vui chơi, ăn nhậu… Nhưng nhiều khi do hơi “quá đà” nên nhiều người không đủ sức để đi làm vào ngày thứ 2 sau đó.
Tinh thần làm việc uể oải ngày thứ 2 của nhiều nhân viên đã khiến các ông chủ quyết định để nhân viên được nghỉ nửa ngày làm việc thứ 7, nhờ đó, số lượng công nhân xin nghỉ sáng thứ 2 giảm hẳn.
Hiện tại, các công ty vẫn có những sự khác biệt đôi chút về lịch làm việc ngày thứ 7, có nơi cho nhân viên nghỉ nửa ngày, có nơi cho nghỉ cả ngày. Năm 1908, một nhà máy ở vùng công nghiệp New England (Mỹ) đã đi tiên phong trong việc áp dụng tuần làm việc 5 ngày dành cho nhân viên.
Nguyên nhân đến từ việc trong nhà máy có hai nhóm công nhân: nhóm theo đạo Do Thái và nhóm theo đạo Thiên Chúa. Các công nhân người Do Thái thường xin nghỉ ngày thứ 7 để đi lễ theo tục lệ tôn giáo và làm bù vào ngày chủ nhật; trong khi đó, công nhân theo đạo Thiên Chúa chắc chắn muốn nghỉ ngày chủ nhật để đi lễ nhà thờ.
Việc trong cùng một nhà máy mà có nhóm nọ nhóm kia với lịch làm việc khác nhau trong hai ngày cuối tuần mang nhiều ý nghĩa tôn giáo. Việc ngày nghỉ mang nhiều ý nghĩa tâm linh của nhóm này, thì nhóm kia lại vẫn đi làm như thường, còn có chút gì đó như không tôn trọng phong tục tập quán của nhau…
Những điều này đã khiến ban quản lý của nhà máy nọ cho toàn bộ công nhân nghỉ cả hai ngày cuối tuần. Các nhà máy khác cũng nhanh chóng làm theo. Thời kỳ Đại suy thoái hồi thập niên 1930 lại càng củng cố thêm cho lịch làm việc 5 ngày/tuần vì công nhân cũng chẳng có nhiều việc để làm.
Gần một thế kỷ sau, lịch làm việc 5 ngày vẫn là khái niệm phổ biến trong cách tổ chức lao động trên khắp thế giới. Tuần làm việc 5 ngày đã trở thành một phần của đời sống văn hóa đại chúng theo cách đó
Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM
Theo Atlantic