Ngoài vấn đề về chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ, một công ty không thể hoạt động khả thi trong thời gian dài nếu như nó không thành công về mặt tài chính. Việc quản trị tài chính hiệu quả giúp doanh nghiệp trả lời được các câu hỏi: Doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào? Hiện đang lỗ hay lãi? Có trong tay bao nhiêu tiền mặt? Có đủ tiền để đáp ứng những nghĩa vụ tài chính ngắn hạn hay không? Sử dụng tài sản hiệu quả như thế nào? So sánh tốc độ phát triển và lợi nhuận thuần với các đối thủ trong cùng ngành kinh doanh ? Nguồn vốn đến từ đâu?….
Quản trị tài chính doanh nghiệp (Financial Management)
Là việc lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính nhằm bảo vệ và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Quản trị tài chính doanh nghiệp đặt trọng tâm vào năng lực tổ chức, quản trị, điều hành hoạt động tài chính của các nhà quản trị thông qua những quyết định của họ. Các công việc chủ yếu của quản trị tài chính bao gồm:
- Đánh giá tình hình tài chính và định giá doanh nghiệp
- Dự báo nhu cầu vốn, huy động vốn và sử dụng hệ thống đòn bẩy
- Quản trị vốn, tài sản, chi phí – doanh thu – lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vai trò của quản trị tài chính đối với doanh nghiệp?
Hầu hết các doanh nghiệp cho dù đã kinh doanh trong nhiều năm hay mới bắt đầu, đều có 4 mục tiêu tài chính: khả năng sinh lời, thanh khoản, hiệu quả và ổn định. Do vậy, quản trị tài chính doanh nghiệp có vai trò to lớn trong doanh nghiệp. Trong hoạt động kinh doanh hiện nay, nó giữ những vai trò chủ yếu sau:
Kiểm soát dòng tài chính của mọi hoạt động hay sản xuất kinh doanh của tổ chức
Thực hiện việc kiểm tra bằng đồng tiền và tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua phân tích các chỉ tiêu tài chính. Cụ thể các chỉ tiêu đó là: chỉ tiêu về kết cấu tài chính, chỉ tiêu về khả năng thanh toán, chỉ tiêu đặc trưng về hoạt động, sử dụng các nguồn lực tài chính; chỉ tiêu đặc trưng về khả năng sinh lời.
Đòn bẩy kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh
Chức năng phân phối của tài chính doanh nghiệp phù hợp với quy luật sẽ làm cho tài chính doanh nghiệp trở thành đòn bẩy kinh tế tác động tới tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận so với vốn đầu tư.
Quyết định các khoản đầu tư và tài trợ
Hoạch định không chưa đủ, lãnh đạo hay nhà quản trị tài chính phải quyết định phương pháp thực hiện hiệu quả, đồng thời xác định các khoản đầu tư và tài trợ cho hoạt động đầu tư vào tài sản, công nghệ, con người… như thế nào cho hợp lý. Để từ đó lợi nhuận được tăng trưởng phù hợp so với mức đầu tư tài sản cố định, máy móc hoặc từ việc nâng cấp công nghệ sản xuất hiện tại… để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giám sát, kiểm tra chặt chẽ các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Thông qua các hình thức, chi tiền tệ hàng ngày, tình hình tài chính và thực hiện các chỉ tiêu tài chính. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể đánh giá khái quát và kiểm soát được các mặt hoạt động của doanh nghiệp, phát hiện được kịp thời những tồn tại vướng mắc trong kinh doanh. Từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế.
Quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp
Bước 1: Theo dõi các hoạt động tài chính của công ty trong quá khứ
Việc theo dõi các hoạt động tài chính trong quá khứ thông qua việc chuẩn bị và phân tích báo cáo tài chính. Các báo cáo này ghi nhận những giao dịch tài chính của công ty. Nó cho biết công ty lãi hay lỗ bao nhiêu tiền (báo cáo kết quả hoạt động doanh nghiệp), cấu trúc của tài sản và nợ (bảng cân đối kế toán), dòng tiền đến và đi từ đâu (báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Các báo cáo này cũng giúp doanh nghiệp nhận thức được sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và so sánh với trung bình ngành.
Bước 2: Dự báo cho 2 hoặc 3 năm tới
Dự báo được sử dụng để chuẩn bị xây dựng báo cáo tài chính dự toán, điều này khiến cho việc điều chỉnh ngân sách tốt hơn, đảm bảo cho kế hoạch tài chính của công ty.
Bước 3: Tiếp tục phân tích kết quả tài chính của công ty
Các tỷ số tài chính mô tả mối quan hệ giữa các khoản mục trên báo cáo tài chính của công ty. Nó được dùng để đánh giá khả năng một công ty đáp ứng các mục tiêu tài chính và cạnh tranh với các đối thủ ngang hàng. Những chỉ số này cũng được sử dụng để tiếp cận xu hướng và dự toán cho các giai đoạn tiếp theo.
5 Nguyên tắc quản trị tài chính doanh nghiệp
Để quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả, chủ doanh nghiệp cần nắm vững những nguyên tắc quản trị tài chính cơ bản sau:
Trade-off: Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao
Mỗi quyết định đầu tư hay tài trợ của doanh nghiệp bên cạnh kỳ vọng vào lợi nhuận nhận lại đều ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, việc chấp nhận mức độ rủi ro và kiểm soát rủi ro như thế nào để đảm bảo lợi nhuận thu lại từ việc đầu tư là hiệu quả nhất là một trong những nguyên tắc mà bất cứ nhà quản trị tài chính nào cũng phải xem xét cẩn thận.
Nguyên tắc giá trị thời gian của tiền tệ
Khi doanh nghiệp quyết định phân bổ một khoản tiền lớn, bên cạnh chi phí cơ hội dĩ nhiên phải gánh, doanh nghiệp còn bị tác động bởi giá trị giảm (hoặc tăng) dần theo thời gian do các yếu tố về lạm phát…
Nguyên tắc tác động của thuế
Thuế là một phương thức quản lý các hoạt động kinh doanh của Nhà nước. Thông qua các chính sách về thuế, Nhà nước sẽ khuyến khích, định hướng phát triển những ngành nghề mà Nhà nước cho rằng có lợi cho xã hội và kìm hãm sự phát triển của một số ngành.
Chính sách thuế có thể là đòn bẩy cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nhưng có khi cũng ngược lại. Vì vậy, khi kinh doanh, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với các chính sách của nhà nước.
Nguyên tắc tận dụng đòn bẩy tài chính trong quản trị doanh nghiệp
Sẽ có nhiều rào cản nếu chỉ sử dụng lượng vốn có giới hạn của chủ sở hữu để đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tối ưu hóa lợi nhuận, vốn vay hay đòn bẩy tài chính sẽ là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hiệu quả kinh doanh song đồng thời nếu sử dụng không hiệu quả nó cũng là gánh nặng tương ứng cho bản thân doanh nghiệp.
Luôn có phương án dự phòng
Sẽ luôn cần có phương án đối với những trường hợp khẩn cấp không lường trước được, hãy luôn duy trì các quỹ tiết kiệm dự phòng để có thể lưu trữ các dịch vụ bảo hiểm sẽ giúp bạn vượt qua những tai nạn bất ngờ. Việc duy trì các khoản dự phòng cũng giúp bạn phòng ngừa những rủi ro và quản lý được những tác động mà rủi ro đó mang lại. Những rủi ro tài chính là những tình huống bất ngờ luôn có thể phá hỏng các mục tiêu dài hạn của bạn.
Thị trường ngày nay đang đối mặt với tình trạng đáng báo động khi rất nhiều công ty đã đang và có nguy cơ phá sản vì quản trị tài chính lỏng lẻo. Dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn cũng đều có những vấn đề chung. Từ việc dữ liệu không chính xác, thiếu nhân sự, công cụ hạn chế,… dẫn đến tình trạng công ty mọc lên như nấm rồi lại nhanh chóng suy kiệt vì các lỗ hổng tài chính.
Những khó khăn khi quản trị tài chính doanh nghiệp
Quản lý nguồn thu, nguồn chi căn cứ trên ước lượng, dự đoán, thiếu phân tích nên không thấy hết nguồn thu, không cắt giảm được chi phí.
Kiểm soát công nợ chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa có chính sách xử lý nợ rốt ráo dễ dẫn đến thiếu tiền.
Kiểm soát không chặt chẽ vật tư hàng hóa, xuất nhập tồn kho, trên đường đi, hàng gửi làm lãng phí vốn.
Không có kế hoạch tài chính, thậm chí không kiểm soát được dòng tiền, kế hoạch thu trả nợ.
Không có một giải pháp hay câu trả lời cụ thể nào chung cho tất cả các doanh nghiệp về vấn đề tài chính. Do vậy, để trở thành một nhà quản trị tài chính tốt, bạn cần nắm rõ những kiến thức về tài chính doanh nghiệp.
Một quyết định tài chính không được cân nhắc, hoạch định kỹ lưỡng có thể gây nên những tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Đòi hỏi các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp phải luôn đánh giá được đúng đắn thực lực tài chính đơn vị, những thuận lợi, khó khăn về tài chính để có những chiến lược, sách lược phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
Những điều cần lưu ý khi quản trị tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nếu doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dưới 10 nhân sự, việc quản lý còn chưa có nhiều và khó khăn. Nếu là chủ doanh nghiệp, bạn nên tự mình ghi chép sổ sách kiêm luôn các nội dung của giám đốc tài chính.
Khi doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động. Cần xây dựng ngay các các chính sách kiểm tra và kiểm soát sổ sách nội bộ.
Đừng bỏ qua các báo cáo hàng tháng từ ngân hàng. Mỗi tháng một lần, nhà quản lý nên đối chiếu số dư tiền vay, tiền gửi và tiền lãi với báo cáo đó.
Việc báo cáo dòng tiền hàng tháng cần được cập nhật đúng hạn và duy trì theo dõi thường xuyên.
Để giảm nhẹ bộ máy nhân sự, doanh nghiệp có thể thuê ngoài dịch vụ chi trả lương uy tín và chuyên nghiệp trên thị trường.
Lập báo cáo tài chính hàng tháng để theo dõi hoạt động kinh doanh nhằm kịp thời đưa ra các kế hoạch cần thiết.
Nên mở tài khoản kinh doanh của doanh nghiệp riêng. Không nên lẫn với tài khoản cá nhân của chủ doanh nghiệp để minh bạch dòng tiền.
Nếu là chủ doanh nghiệp, bạn nên tham gia một lớp tài chính cho người không chuyên trước khi bước vào con đường kinh doanh. Kiến thức có được từ khóa học sẽ giúp bạn đọc hiểu được báo cáo tài chính một cách tổng quát, tránh trường hợp bị truy thu thuế hoặc lãi ảo.
Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM