Quản lý con người là gì? Vai trò của quản lý con người?

Theo các nghiên cứu uy tín trên thế giới, 70% động lực của nhân viên thường được ảnh hưởng từ người lãnh đạo. Chính vì vậy, quản lý con người được xem là một trong những kỹ năng quan trọng mà bất kỳ người đứng đầu nào cũng cần trau dồi. Bài viết đây dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, vai trò cũng như tích lũy thêm nhiều kỹ năng quản trị con người để ứng dụng vào thực tế. 

I. Quản lý con người là gì? 

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về quản lý con người. Tuy nhiên, trong môi trường công sở đây là khái niệm chỉ việc người lãnh đạo đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ và dẫn dắt nhân viên dưới quyền. 

Người lãnh đạo không chỉ phải đảm bảo nhân viên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn phải tạo nên sự đoàn kết, khơi dậy tính sáng tạo, lòng nhiệt huyết của mỗi cá nhân. Nhờ đó, một người lãnh đạo có kỹ năng quản trị con người tài tình sẽ luôn được nhân viên tin tưởng, tôn trọng và noi theo. 

II. Vai trò của quản lý quản lý con người trong công việc

Như đã đề cập ở trên, người lãnh đạo nắm giữ vị trí gắn kết nhân viên với sự phát triển của cả tổ chức. Vì thế, nếu bạn sở hữu khả năng quản lý nhân sự toàn diện, doanh nghiệp sẽ thu được những lợi ích sau:

Quản trị con người giúp người đứng đầu dẫn dắt đội ngũ hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu doanh nghiệp đề ra.

Người lãnh đạo có cơ sở phân công, điều phối công việc hợp lý để tiết kiệm thời gian, đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Nhờ cách quản lý khéo léo, tinh tế mà người đứng đầu được nhân viên quý mến, gắn bó nên tỷ lệ nghỉ việc giảm mạnh. Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ xây dựng được một bộ máy nhân sự ổn định, trung thành để phát triển bền vững. 

III. 10 kỹ năng quản lý con người thành công nhà lãnh đạo cần biết 

Vậy nhà quản lý cần có các kỹ năng quản lý con người nào để thành công thúc đẩy đội ngũ tiến bộ và làm việc xuất sắc? Hãy cùng tham khảo ngay 10 kỹ năng cơ bản dưới đây: 

1. Hỗ trợ nhiệt tình 

Trong một tập thể, doanh nghiệp sẽ có cả những người nhiều kinh nghiệm và các nhân sự mới đang bắt đầu làm quen với công việc. Do đó, sự hỗ trợ kịp thời của người lãnh đạo là vô cùng cần thiết. 

Bạn vừa phải giúp đội ngũ giải quyết các khó khăn một cách nhanh chóng, vừa đồng thời xây dựng sự kết nối để hướng họ đến quyết tâm đạt được mục tiêu chung. 

2. Lắng nghe chân thành

Một trong những rào cản khiến khiến cấp dưới ngại trao đổi và không tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lãnh đạo là quá trình giao tiếp kém hiệu quả. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần học cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân viên. 

Kỹ năng này được thể hiện qua các hành động nhỏ của người lãnh đạo như không đột ngột cắt ngang cuộc trò chuyện, luôn đưa ra nhận xét sau khi lắng nghe,… Khi nhân viên nhận được những phản hồi chân thành, họ sẽ cảm thấy tự tin và có thêm động lực cải tiến công việc tốt hơn. 

3. Đặt câu hỏi để thúc đẩy nhân viên 

Để kích thích khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của nhân viên, nhà lãnh đạo có thể ứng dụng phương pháp quản lý con người bằng cách đặt những câu hỏi gợi mở. 

Thay vì trực tiếp chỉ ra hướng đi cụ thể, các câu hỏi này bắt buộc đội ngũ của bạn phải tự mình nghiên cứu, tìm tòi để đề xuất những giải pháp tối ưu. Nhờ đó, họ sẽ hình thành phong cách làm việc chủ động, tích cực và không đầu hàng trước thử thách. 

4. Định hướng rõ ràng  

Một người lãnh đạo thực thụ sẽ đưa ra những định hướng, chiến lược hoạt động lâu dài cho nhân viên. Ví dụ, nếu giữ vị trí Trưởng phòng Kinh doanh, bạn cần xác định rõ các mục tiêu theo từng giai đoạn nhằm dẫn dắt tập thể đạt được doanh số 5 tỷ đồng vào cuối năm. 

Dựa trên lộ trình này, đội ngũ nhân viên có thể nắm được tất cả công việc cần làm mà không cần đốc thúc liên tục. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, họ cũng tự giác học hỏi, nâng cao kỹ năng để hoàn thành tốt nhất mục tiêu được giao.  

5. Khuyến khích sự cạnh tranh tích cực

Nhà quản lý nên khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa cá nhân, đội nhóm nhằm thúc đẩy tinh thần làm việc chung. Đây là biện pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp tăng nhanh thành tích kinh doanh nhờ sự nỗ lực của tất cả thành viên. 

Tuy nhiên, bạn cần thiết lập thêm các quy định chặt chẽ nhằm tránh phát sinh tình huống cạnh tranh gay gắt hay nhân viên coi trọng tính thắng thua hơn cả chất lượng công việc.

6. Không nên tạo áp lực căng thẳng

Trên thực tế, những môi trường có áp lực doanh số hay văn hóa quá khắt khe thường có tỷ lệ nghỉ việc cao. Việc biến động liên tục về nhân sự khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tốn nhiều nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ mới. 

Chính vì thế, nhà quản trị doanh nghiệp nên cân bằng áp lực mục tiêu bằng không khí làm việc cởi mở, thân thiện. Bên cạnh thời gian làm việc tập trung, bạn có thể tổ chức thêm các chương trình văn nghệ, vui chơi ngoài trời để giảm bớt căng thẳng cho nhân viên. 

7. Khen thưởng và phê bình công bằng

Với những cá nhân, đội nhóm có biểu hiện xuất sắc, doanh nghiệp nên đặc biệt tuyên dương trong các buổi họp tập thể. Cách quản lý con người này giúp nhân viên luôn cảm thấy được trân trọng và ngày càng có quyết tâm bứt phá. 

Đồng thời, nếu nhân viên mắc lỗi hoặc thể hiện chưa tốt, bạn nên góp ý kịp thời, cùng họ khắc phục thất bại. Ngoài ra, người quản lý có thể lấy đó làm bài học kinh nghiệm nhắc nhở đội ngũ không lặp lại sai lầm trong tương lai. 

8. Trao quyền hiệu quả 

Hình thức quản lý trao quyền cho nhân viên là biện pháp hiệu quả giúp nhà lãnh đạo tìm ra những ứng viên tiềm năng. Không chỉ vậy, nó còn tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ của bạn phát huy sức sáng tạo,  chủ động cải tiến chất lượng làm việc. 

9. Quan tâm tới đời sống nhân viên

Bên cạnh công việc, những lo toan về gia đình, sức khỏe… cũng tác động không nhỏ đến tinh thần của nhân viên. Do đó, người lãnh đạo cần có sự thấu hiểu, chia sẻ với cấp dưới nếu thấy họ có các biểu hiện sa sút, mất tập trung. 

Cách quan tâm kịp thời cho thấy bạn là một người thấu tình đạt lý. Từ đó, nhân viên không chỉ cảm phục mà còn có thêm ấn tượng tốt đẹp, sẵn sàng cùng bạn phấn đấu trong sự nghiệp.   

10. Đề xuất cơ hội thăng tiến 

Kỹ năng quản lý con người không thể thiếu của nhà lãnh đạo là sẵn sàng giúp đỡ nhân viên nâng cao chuyên môn và chuyên nghiệp hóa. Về lâu dài, bạn cần đề xuất cả những cơ hội thăng tiến thành trưởng nhóm, trưởng phòng… cho các cá nhân có thành tích nổi trội. 

Đây là điều kiện vô cùng hấp dẫn để doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân viên hàng đầu. Thêm vào đó, khi nhìn thấy một kế hoạch thăng tiến rõ ràng, nhân viên sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài và cố gắng làm việc hơn.   

Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM

 

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO