Lấy lại bản sắc cá nhân sau thất bại

Lấy lại bản sắc cá nhân sau thất bại

Giống như sắt thép, sức mạnh tâm lý của doanh nhân không phải được tạo ra từ hoa hồng hay sự yên bình, mà được trui rèn từ búa và đe, từ chính những nỗi đau mà họ phải trải qua.

Những ngày cận tết thường là thời điểm để chúng ta có cơ hội đối mặt với chính mình, chiêm nghiệm những điều đã qua trong năm, từ đó định hình những bước đi mới cho tương lai.

Trong số những bài học, kinh nghiệm được ghi lòng tạc dạ để tự răn mình, thì nổi bật nhất có lẽ luôn là những nỗi đau – đến từ sự ly biệt, sự từ chối, thất bại, phản bội, sự tranh giành, đấu đá trên thương trường, trong bộ máy quản lý doanh nghiệp…



Bản sắc tâm lý của một doanh nhân

Tuy nhiên, với những nỗi đau quá lớn, việc nhắc lại hay đưa ra phân tích dưới một góc nhìn khách quan luôn là một thách thức, bởi chúng thường tạo ra sự ám ảnh nhất định mà những chuyên gia tâm lý gọi là hội chứng đánh mất bản sắc tâm lý (psychological identity).

Hội chứng được mô tả là khi một nỗi đau có thể khiến chúng ta đột nhiên cảm thấy mình vô giá trị, cảm thấy tất cả sự tự tin và hạnh phúc của mình như mất hết, khiến chúng ta rơi vào trạng thái tuyệt vọng.

Đó cũng là câu chuyện của một doanh nhân tạm gọi là Brad, một doanh nhân giấu tên, được M. Farouk Radwan – chuyên gia tâm lý học, triệu phú tự thân – mô tả trên website 2knowmyself.com.

Brad sở hữu một doanh nghiệp, có thu nhập cao, một người vợ xinh đẹp và một đứa con sắp chào đời. Mọi thứ thật tuyệt vời với anh. Sự tự tin của Brad phủ khắp mọi nơi anh đặt chân đến. Cho tới một ngày, Brad nhận được điện thoại của vợ. Cô thông báo rằng cô sẽ chia tay anh để lấy người bạn thân đã khởi nghiệp cùng anh, và vì đứa con của cả hai chưa ra đời, nên nghiễm nhiên tòa sẽ tuyên bố cô có quyền nuôi dưỡng đứa bé.

Brad bị sốc nặng. Thời điểm vợ anh cúp điện thoại, anh lập tức cảm thấy mình trở nên vô giá trị. Một thời gian dài sau đó, Brad vẫn không đủ can đảm đối mặt với nỗi đau của mình. Mỗi khi nhắc đến nó, sự tự ti, tuyệt vọng và cơn giận bao trùm khắp cơ thể anh. Công việc của Brad sau đó cũng tụt dốc không phanh. Một thời gian sau, Brad bán công ty, mắc chứng nghiện rượu và không còn là một doanh nhân tự tin hoàn hảo mà nhiều người ngưỡng mộ.

Bản sắc tâm lý – khi nỗi đau khiến bạn trở nên nhỏ bé

Theo các chuyên gia tâm lý, bản sắc tâm lý hay bản sắc cá nhân là khả năng tự suy ngẫm, tự ý thức về bản thân của mỗi người. Đa phần chúng ta thường tạo ra bản sắc tâm lý cho mình thông qua những công việc chúng ta làm hoặc những đối tượng, những sự vật, sự việc liên quan, gắn liền với mình.

Chẳng hạn, nếu ai đó hỏi bạn rằng “Bạn là ai?”, thường bạn trả lời rằng: “Tôi là giám đốc điều hành của công ty XYZ…”. Tức là bạn đã sử dụng công việc của mình, một niềm tự hào của bạn, để định dạng bản sắc tâm lý cho mình, để mọi người nghĩ về bạn như là một giám đốc điều hành, thay vì tên Trần Văn A hay Lê Thị B.

Ngoài công việc, chúng ta cũng thường sử dụng những vật dụng hay cá thể khác để định vị bản thân. Như khi bạn khẳng định: “Tôi là chủ của ngôi biệt thự đó, tôi là chủ của chiếc Audi đậu ở góc đường”…, hay khi còn nhỏ sẽ là: “Tôi là con của ông bà A”…

Tất nhiên, chúng ta thường có xu hướng đồng nhất mình với những thứ chúng ta tự hào nhất. Ở Brad, anh đã đồng nhất bản thân như là một người thành công, sự thành công tới từ việc sở hữu một doanh nghiệp phát triển cùng một người vợ đẹp, một gia đình hạnh phúc. Nếu chúng ta hỏi Brad “Anh là ai?”, Brad chắc chắn sẽ đáp: “Tôi là một doanh nhân thành đạt” (theo ghi nhận của M. Farouk Radwan).

Bản sắc tâm lý không được hình thành từ những vật dụng, con người xung quanh, những thứ hữu hình, mà phải là những thứ vô hình, xuất phát từ trong chính con người của bạn.

Chính vì vậy, khi vật đồng nhất của chúng ta bị mất, chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng. Vấn đề của Brad ở đây chính là sự tan vỡ của gia đình, của tình bạn. Do đó khi hình ảnh một doanh nhân thành đạt của Brad mất đi, anh ấy cũng dần đánh mất bản sắc tâm lý của mình và bắt đầu cảm thấy vô giá trị.

Bản sắc tâm lý không được hình thành từ những vật dụng, con người xung quanh, những thứ hữu hình, mà phải là những thứ vô hình, xuất phát từ trong chính con người của bạn.

Tạo ra một bản sắc mới hay cố gắng níu kéo những thứ đã mất?

Brad đã đánh mất bản sắc tâm lý của mình, và để có lại nó, Brad có thể làm nhiều cách. Hai cách phổ biến nhất là tạo ra một bản sắc mới cho mình, hoặc cố gắng níu kéo bản sắc cũ, tức là cố gắng thuyết phục người vợ quay về với mình.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia tâm lý thực sự muốn Brad – cũng như cho doanh nhân nói chung – thực hiện để tránh rơi vào trạng thái đánh mất bản sắc tâm lý, đó là tạo ra một bản sắc tâm lý riêng cho mình. Bản sắc tâm lý ấy không được hình thành từ những vật dụng, con người xung quanh, những thứ hữu hình, mà phải là những thứ vô hình, xuất phát từ trong chính con người của bạn. Những thứ được miêu tả như: “sự kiên trì, thông minh, trách nhiệm, sự lì lợm…”.

Ví dụ điển hình nhất cho một bản sắc tâm lý phi thường là Benjamin Franklin (1706-1790), một trong những người đã thành lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, doanh nhân, triết gia, nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội và là một nhà ngoại giao hàng đầu. Ông chính là hình mẫu đầu tiên cho việc một người đàn ông có thể tự tạo ra sự nghiệp cho mình từ hai bàn tay trắng (theo ghi nhận của trang Art of Man Liness).

Để luôn giữ được sự tự tin cùng một bản sắc tâm lý kiên định, vượt qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, Benjamin Franklin đã tạo ra một bản sắc riêng cho mình là hướng đến một mục tiêu cao cả, sống một cuộc đời đức hạnh với 13 phẩm chất đạo đức mà ông luôn theo đuổi.

Những phẩm chất này bao gồm: chừng mực, yên lặng, trật tự, kiên định, tiết kiệm, siêng năng, chân thật, công bằng – chính trực, điều độ, sạch sẽ, yên bình, trinh tiết (đàn ông và phụ nữ không nên gần nhau ngoài sự cần thiết về nhu cầu sinh lý và duy trì nòi giống) và khiêm tốn.

Tất nhiên, rất nhiều quy tắc trên của Benjamin Franklin tỏ ra không còn phù hợp với ngày nay, và ở mỗi đất nước, tôn giáo, đức tin, người ta cũng sẽ theo đuổi những chuẩn mực riêng khác với ông. Nhưng việc định vị bản thân, tạo ra bản sắc tâm lý từ chính những thứ bên trong chúng ta, mới là cách tốt nhất giúp chúng ta xây dựng được bản sắc tâm lý.

“Tiếc thay, tôi chưa bao giờ chạm đến sự hoàn hảo mà tôi luôn khao khát, thậm chí tôi thấy mình còn cách chúng rất xa, nhưng bằng việc nỗ lực theo đuổi chúng gần như cả cuộc đời, tôi tự hào rằng mình đã là một người tốt đẹp và hạnh phúc hơn chính mình nếu như không theo đuổi các quy tắc ấy” – Benjamin Franklin kết luận.

Theo Phạm Tú/Báo Doanh Nhân Sài Gòn

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO