Trong tình hình bệnh dịch như hiện nay, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo lắng. Nỗi lo về sự lây lan và mức độ nguy hiểm của virus, về sức khỏe bản thân và nỗi lo về tài chính, công việc, khách hàng… Điều gì cũng đang trở nên bập bênh, mù mờ nhưng có một điều chắc chắn, đó là những người lãnh đạo thực thụ sẽ luôn làm chủ được tình hình.
Một người lãnh đạo phải biết thích ứng và thay đổi kịp thời để đáp ứng những chuyển biến mới nhất. Nhưng họ còn phải có trách nhiệm với nhân viên, đồng nghiệp và khách hàng, đối tác của mình, phải tìm ra phương hướng giúp họ làm quen với mô hình làm việc tại nhà một cách hiệu quả.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để người lãnh đạo thể hiện bản thân, gây dựng và củng cố niềm tin của mọi người. Nếu có thể nói "có" tới 4 câu hỏi này, bạn đã sẵn sàng chinh phục khó khăn sắp tới:
Cách giao tiếp của bạn đã rõ ràng, mạch lạc?
Ưu tiên trên hết của người chỉ huy là cầm chắc tay lái đưa nhân viên của mình đi qua cơn bão tin giả - "fake news". Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn chiến lược về cách truyền đạt thông tin cho cấp dưới. Thông điệp cần rõ ràng, dễ nhớ và truyền cảm hứng cho mọi người thực hiện.
Hãy xem xét cách Unilever – công ty đa quốc gia với hơn 155,000 nhân viên vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Giám đốc của công ty - Alan Jope đã đưa ra ngay thông báo để đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình.
Unilever đã công khai email của Jope tới họ, một danh sách gồm 5 điều không nên làm và 4 điều cần thực hiện. Ông nói: "Hơn bao giờ hết, chúng ta cần giữ bình tĩnh, khéo léo và lạc quan. Hãy làm hết sức những gì ta có thể: tập trung giúp đỡ lẫn nhau, tìm hiểu những nhu cầu mới của khách hàng và đáp ứng chúng".
Bạn có giữ kết nối với mọi người?
"Cách ly xã hội" là việc giảm thiểu sự tương tác trực tiếp với mọi người, không phải tách biệt khỏi xã hội. Người người nhà nhà đều đang phải làm việc từ xa, đây là lúc người lãnh đạo phải luôn ở bên, giúp đỡ, hỗ trợ mỗi khi cấp dưới cần, chia sẻ những khó khăn, rào cản họ đang đối mặt.
Tại công ty công nghệ tự động hóa quy trình kỹ thuật số Catalytic, nhà sáng lập kiêm giám đốc Sean Chou luôn cố gắng giữ gìn văn hóa: lấy con người làm trung tâm. Ông chia sẻ: "Chúng tôi đang tổ chức các buổi vui chơi và ăn trưa cùng nhau qua video. Chúng tôi đã thành lập một câu lạc bộ sách nơi bàn luận về các cuốn sách kinh doanh, hoặc những đầu sách thú vị. Ngoài ra, còn chia sẻ các mẹo làm việc tại nhà và thường xuyên giữ liên lạc với nhau".
Chou chia sẻ rằng nhân viên của mình cũng đã nghĩ ra những cách sáng tạo để kết nối với nhau. Ông viết qua email: "Họ đã thiết lập một khung giờ hạnh phúc ảo, tự thiết kế những thử thách thể dục tại nhà và chuyển đổi những trò chơi thành trực tuyến".
Bạn có đang tận tâm bảo vệ "bát cơm" của người khác?
Cơn đại dịch và tác động của nó không phải điều con người có thể lựa chọn. Không ai mong muốn nó diễn ra, nhưng bạn – một người lãnh đạo, có thể chọn cách phản ứng với nó. Một trong những điều thể hiện bản lĩnh người chỉ huy là họ có duy trì được nguồn thu nhập của nhân viên – những người nghỉ việc vô thời hạn. Không phải tập đoàn, công ty nào cũng có đủ nguồn quỹ để trang trải hết cho nhân viên của mình, nhưng họ vẫn đặt lợi ích con người lên hàng đầu.
Có thể kể đến Kristen Hadeed – giám đốc công ty vệ sinh Student Maid nổi tiếng, bày tỏ rõ quan điểm của cô khi thông báo cho công ty đóng cửa hai tuần lễ: "Đây là lựa chọn tốt nhất cho mọi người và là lựa chọn tồi nhất cho đồng lương. Nhưng đây vẫn là điều nên làm. Các nhà chỉ huy, đã đến lúc bảo vệ cho "quân" của mình và đấu tranh lợi ích của họ bằng mọi giá".
Trong dòng tin nhắn, cô nêu rõ nguyên nhân đi đến quyết định này: "Đóng cửa trong hai tuần, thậm chí có thể dài hơn, đây là một sự khủng hoảng với bất cứ doanh nghiệp nào. Mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Chúng tôi kinh doanh lĩnh vực vệ sinh, vì vậy đây hoàn toàn có thể trở thành cơ hội ngàn năm có một để thu về lợi nhuận. Sẽ là giả dối nếu nói tôi chưa bao giờ nghĩ về cơ hội này. Nhưng suy cho cùng, tiền không phải tất cả, thứ quan trọng nhất là sự an toàn của mọi người - những người đã đặt niềm tin vào tôi".
Hadeed cho biết cô quyết định trả lương cho toàn bộ nhân viên trong thời gian tạm nghỉ dù ngân quỹ công ty khá ít ỏi, cô nói: "Chúng tôi sẽ tạo điều kiện giúp đỡ nhân viên hết sức trong giai đoạn khó khăn này". Những ai có đủ điều kiện tài chính sẽ chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn hơn. Ngoài ra, bộ phận cấp cao của công ty đã đồng ý cắt giảm lương của họ để góp vào quỹ công ty. Đây quả là một công ty đáng học hỏi bởi sự đoàn kết của mình và Hadeed cũng đã chính tỏ được bản lĩnh, trách nhiệm của một người đứng đầu với nhân viên của cô.
Bạn có khiến nhân viên của mình cảm thấy yên tâm?
Trong lúc bất chắc, gian nan, mọi người thường chờ đợi nhà lãnh đạo vạch ra đường đi nước bước. Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có câu trả lời, đừng quá lo lắng bởi lãnh đạo cũng chỉ là con người, hãy thoải mái bày tỏ suy nghĩ của mình và yêu cầu sự tư vấn.
Bạn phải biết đặt mình vào tình thế của nhân viên, và đặt những câu hỏi gỡ rối vấn đề. Ví dụ như: Tôi cần làm gì để có thể hỗ trợ bạn tốt nhất? Bạn đang gặp khó khăn gì để đạt mục tiêu của mình?... Tìm ra chướng ngại vật ngăn cản họ, bạn sẽ có thể giúp họ bình tĩnh và tìm ra lối đi.
* Theo Inc.