Kế hoạch kinh doanh là gì? 9 bước lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả trong doanh nghiệp

1. Tìm hiểu về kế hoạch kinh doanh

Kế hoạch kinh doanh là tài liệu bằng văn bản do doanh nghiệp hoặc đơn vị dự án biên soạn nhằm đạt được các mục tiêu đầu tư, tài trợ và mục tiêu phát triển khác trong tương lai.

Kế hoạch kinh doanh có cấu trúc tương đối cố định. Bao quát toàn diện tình trạng công ty từ quá trình phát triển, sản phẩm, dịch vụ, tiếp thị, đội ngũ quản lý, cơ cấu vốn chủ sở hữu, nhân sự, tài chính, hoạt động đến kế hoạch tài trợ.

Lí do cần lập kế hoạch kinh doanh

Kế hoạch kinh doanh là tầm nhìn trong tương lai của doanh nghiệp. Nhằm dự đoán tốc độ phát triển, khai thác triển vọng kinh doanh, tích hợp các nguồn lực, tập trung nỗ lực, khắc phục sự cố, tìm kiếm cơ hội, đưa ra các kế hoạch hành động trong tương lai.

Một số lợi ích mà kế hoạch kinh doanh đem lại:

  • Giúp tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể.
  • Có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp, theo dõi sát sao tiến độ kinh doanh và quản lý dòng tiền hiệu quả.
  • Làm thước đo để đo lường tiến độ và lợi nhuận của doanh nghiệp.
  • Thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, hoặc trong giai đoạn mở rộng và tăng trưởng kinh doanh sau này.
  • Giúp nhà đầu tư thiết lập viễn cảnh dài hạn trong một môi trường kinh doanh đầy bất trắc và thích ứng được với những thay đổi khác nhau của môi trường kinh doanh.
  • Đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, kế hoạch kinh doanh là cơ sở quan trọng để đánh giá liệu một doanh nghiệp có giá trị đầu tư hoặc có hoạt động thực sự hay không.

2. Các nguyên tắc khi lập kế hoạch kinh doanh

Đi thẳng vào vấn đề: Mô tả ý tưởng của bạn bằng ngôn ngữ thực tế, súc tích và đừng lãng phí thời gian để nói về những điều không liên quan. Bản kế hoạch lan man dài dòng dễ khiến người đọc chán và mất hứng thú.

  • Thu thập càng nhiều thông tin càng tốt: Thu thập thông tin cụ thể về các sản phẩm hiện có trên thị trường, sự cạnh tranh hiện có, thị trường tiềm năng và người tiêu dùng tiềm năng.
  • Trình bày thông tin trung thực: Cố gắng cung cấp thông tin trung thực, không phóng đại, đánh bóng doanh nghiệp.
  • Xác định mục tiêu đúng: Một bản kế hoạch kinh doanh tốt cần có mục tiêu rõ ràng, nhất quán và thực tế.
  • Lập kế hoạch phù hợp với người đọc: Trình bày chỉn chu, rõ ràng, dễ hiểu; dùng ngôn từ sáng sủa, phù hợp với những đối tượng đọc khác nhau như khách hàng, đối tác, nhân viên…; bổ sung thêm bảng từ viết tắt, bảng thuật ngữ để độc giả dễ nắm bắt nội dung hơn.
  • Viết và đánh giá kế hoạch kinh doanh 1 cách khách quan: Luôn ghi nhớ giá trị của khách hàng và lợi tức đầu tư, đồng thời lấy những vấn đề quan tâm nhất của độc giả làm điểm xuất phát. Tự đánh giá kế hoạch kinh doanh theo quan điểm của người đọc để sửa chữa, cải thiện. 
  • Cập nhật kế hoạch kinh doanh mỗi năm một lần: Xây dựng kế hoạch kinh doanh là một quá trình liên tục. Thông lệ của các công ty là sửa đổi kế hoạch kinh doanh sáu tháng hoặc mỗi năm một lần nếu xảy ra một số thay đổi lớn. 

3. 9 bước xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả

Bước 1: Khái quát kế hoạch kinh doanh

Đầu tiên, hãy giới thiệu khái quát, ngắn gọn về kế hoạch kinh doanh để khách hàng, nhà đầu tư… nắm bắt được những ý chủ chốt và cảm thấy thuyết phục. Cần nhấn mạnh:

  • Vị trí của doanh nghiệp trong thị trường.
  • Mục tiêu của kế hoạch kinh doanh.
  • Vấn đề cần giải quyết và phương thức giải quyết.
  • Các điểm nổi bật về tài chính.

Bước 2: Giới thiệu doanh nghiệp

Tên pháp lý, địa chỉ kinh doanh và thông tin liên hệ.

Tôn chỉ kinh doanh.

Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của công ty. Sứ mệnh mô tả hoạt động kinh doanh. Tầm nhìn vạch ra con đường phát triển. Giá trị cho biết những gì quan trọng nhất đối với doanh nghiệp như tinh thần đồng đội, tính chính trực, sự tập trung vào khách hàng…

Cơ cấu doanh nghiệp (hồ sơ công ty, chức năng và mục tiêu kinh doanh của từng bộ phận, hội đồng quản trị, đội ngũ quản lý, các nhân tố hỗ trợ bên ngoài…).

Sơ lược về lịch sử hoạt động, đầu tư của công ty.

Bản tóm tắt ngắn gọn về sản phẩm hoặc dịch vụ, giá cả, phân phối, các yếu tố rủi ro và lợi thế cạnh tranh.

Cung cấp tổng quan về thị trường và việc doanh nghiệp của bạn phù hợp với các xu hướng nhân khẩu học, kinh tế, xã hội, ngành, thị trường và văn hóa.

Bước 3: Sản phẩm và dịch vụ

Mô tả cụ thể sản phẩm gồm 2 bước:

+ Thứ nhất, cho thấy rằng sản phẩm đánh đúng tâm lý người tiêu dùng, giải quyết được vấn đề của người dùng.

+ Thứ hai, mô tả tình hình hiện tại của sản phẩm cho các nhà đầu tư, bao gồm: 

  • Hình thức sản phẩm (kèm ảnh thực tế): là sản phẩm hay dịch vụ gì, cung cấp cho người tiêu dùng dưới hình thức nào (sản phẩm hữu hình, dịch vụ chăm sóc, trang web, ứng dụng…)
  • Chức năng cốt lõi: chẳng hạn như giải khát, giải trí, chăm sóc sức khỏe, mạng xã hội, giao dịch…
  • Ưu điểm của sản phẩm: chẳng hạn như tiện lợi, đẹp mắt, giá thành tốt, thuần tự nhiên… Phần này cần được tối ưu hóa, giới hạn trong 1 – 3 trang.

Bước 4: Phân tích thị trường

Quy mô thị trường, cấu trúc và phân chia thị trường.

Thiết lập thị trường mục tiêu.

Phân tích nhóm người tiêu dùng sản phẩm, phương thức tiêu dùng, thói quen tiêu dùng và các nhân tố chính ảnh hưởng đến thị trường.

Tình trạng thị trường sản phẩm của công ty, giai đoạn phát triển thị trường của sản phẩm (trống / phát triển mới / tăng trưởng cao / đã phát triển / bão hòa), xếp hạng sản phẩm và thương hiệu.

Dự báo xu hướng thị trường và cơ hội thị trường.

Chính sách ngành.

Bước 5: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Liệu có độc quyền trong ngành?

Nhìn nhận thị phần của các đối thủ cạnh tranh dưới góc độ phân khúc thị trường.

Phân tích đối thủ cạnh tranh chính (trực tiếp lẫn gián tiếp): sức mạnh công ty, tình hình sản phẩm.

Phân tích sản phẩm cạnh tranh: liệt kê, làm nổi bật ưu điểm, nhược điểm và sự khác biệt của sản phẩm.

Phân tích các đối thủ cạnh tranh tiềm năng và những thay đổi của thị trường.

Bước 6: Chiến lược tiếp thị & bán hàng

Tổng quan về kế hoạch tiếp thị.

Xây dựng chính sách bán hàng: giá bán, nơi bán, tệp khách hàng…

Các kênh, phương pháp bán hàng, liên kết tiếp thị và dịch vụ hậu mãi.

Lực lượng bán hàng và chính sách phân phối lợi ích bán hàng.

Xúc tiến và thâm nhập thị trường.

Các phương thức khuyến mại chính.

Chiến lược quảng cáo / PR, đánh giá truyền thông.

Bước 7: Quản lý hoạt động

Phần nội dung này sẽ mô tả quá trình hoạt động thực tế của doanh nghiệp kèm theo chi phí:

Nhân sự: có bao nhiêu nhân viên, lương, thưởng bao nhiêu…

Vật tư & sản xuất: tiền nhập hàng, nhập nguyên liệu thô, sản xuất mất bao lâu, vấn đề hàng tồn kho…

Cơ sở vật chất, trang thiết bị: mua hay thuê văn phòng, chi phí vận hành, bảo trì, thay mới máy móc, tài sản thế chấp nếu có, có dự định phát triển thêm các cơ sở bán lẻ không…

Bước 8: Kế hoạch tài chính

Cần trình bày rõ ràng số tiền cần đầu tư, vốn chủ sở hữu, mục đích sử dụng vốn (lương nhân viên, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, khuyến mại…) và có từng được đầu tư trước đây hay không.

Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư, cần làm rõ tài chính hiện tại của công ty và dự báo cách sử dụng ngân sách trong tương lai. Một số bảng, biểu nên cung cấp gồm:

  • Bảng doanh thu bán hàng
  • Bảng chi phí
  • Bảng mức lương
  • Bảng tài sản cố định
  • Bảng cân đối kế toán
  • Lợi nhuận và thời điểm trả lợi nhuận
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Phân tích các chỉ tiêu tài chính

Bước 9: Phụ lục

Bao gồm những phần tài liệu khác hỗ trợ cho việc hoạch định kế hoạch kinh doanh. Đó có thể là tài liệu ngoài lề, tài liệu mật và một số tài liệu khác…

Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO