Những thay đổi trong cuộc sống có thể khiến bạn quay cuồng và không chắc chắn sẽ phải làm gì. Cho dù là vấn đề tài chính hay người thân qua đời hay ly hôn thì cũng không dễ dàng để ta có thể định hướng việc cần làm tiếp theo. Tuy nhiên, có nhiều cách giúp bạn giảm tải căng thẳng khi cuộc sống có những thay đổi bất ngờ.
1. Nhận thức được cảm xúc cá nhân.
Có thể bạn muốn quên đi cảm giác đau đớn trong tình huống này hoặc vờ như chúng không hề tồn tại. Khi cố phủ nhận những cảm xúc này, bạn đã vô tình hình thành thêm nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Tốt hơn hết bạn nên chấp nhận và tìm cách vượt qua cảm xúc cá nhân. Đừng cố gắng hợp lý hóa cảm nhận của bản thân, cách duy nhất để vượt qua cảm xúc cá nhân chính là thực sự cảm nhận chúng.
Ví dụ, khi bạn mất việc thì bạn hoàn toàn có thể thừa nhận rằng mình cảm thấy tức giận, thất vọng, sợ hãi và muốn trả thù.
Dành ra 15 phút mỗi ngày để sống thật với cảm xúc của bản thân. Đừng để tâm trí can thiệp vào, chỉ cần ngồi và cảm nhận mọi thứ.
Bạn có thể ghi lại suy nghĩ và cảm nhận vào trong nhật ký.
Đừng sợ khóc. Khóc giúp giải phóng các hợp chất tiêu cực trong cơ thể, đồng thời giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp bạn xử lý được tình huống đau thương.
2. Thay Đổi Suy Nghĩ.
Thử nhìn nhận tình thế này như một cơ hội để phát triển và hoàn thiện bản thân. Ví dụ, hãy nhắc nhở bản thân rằng mình đã mạnh mẽ và linh hoạt thế nào trong giai đoạn khó khăn. Khi nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm này thì bạn sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Nếu bạn không đỗ vào trường đại học mình muốn thì thế giới của bạn cũng chưa sụp đổ hoàn toàn và bạn không hề mất đi cơ hội kiếm được công việc mơ ước. Hãy nhớ rằng bạn có lựa chọn, và rồi những điều tốt đẹp sẽ đến.
Cố gắng không làm quá mọi chuyện. Hãy tự hỏi bản thân, “Nỗi lo này có thật sự tồi tệ đến thế không?” Nếu bạn lo lắng về điều gì đó trong tương lai, hãy hỏi bản thân “Liệu điều này có khả năng xảy ra không?”
Nếu thấy bản thân không ngừng lo lắng, hãy chọn cho mình một “thời gian để lo lắng”. Khi bắt đầu một ngày, bạn có thể dành 15 phút để lo lắng về những vấn đề của bản thân. Nếu có suy nghĩ lo lắng về bất kỳ vấn đề nào ngoài khoảng “thời gian lo lắng” đã định trước, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng đây chưa phải là lúc để lo lắng.
3. Đối Diện Với Những Khác Biệt Thực Tế.
Thường thì cuộc sống đem đến cho bạn một lựa chọn khác hoàn toàn với điều bạn muốn. Khoảng cách giữa điều bạn muốn và điều bạn có tỷ lệ thuận với nỗi đau bạn phải trải qua. Bạn cần nhìn nhận thực tế bạn muốn sẽ không trở thành sự thật và bạn phải sống với một thực tế khác.
Thay vì bực bội với tình thế mình gặp phải, bạn cần phải thích nghi với nó. Ví dụ, nếu bạn gặp vấn đề về tài chính, bạn không nên tiêu tiền phung phí như trước đây. Bạn cần nhận thức được việc phải thay đổi thói quen tiêu xài của bản thân.
4. Học Cách Chấp Nhận.
Trong cuộc sống có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, từ việc gặp tắc đường cho tới việc bị sếp khiển trách tại cơ quan. Thay vì đau khổ và kích động trong những tình huống này, hãy hít một hơi thật sâu và học cách chấp nhận những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Mặc dù không thể kiểm soát tình huống, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của bản thân.
Bạn có thể rèn luyện sự chấp nhận thông qua thiền chánh niệm. Liệt kê một danh sách những điều nằm ngoài tầm kiểm soát. Sau đó, nhắm mắt, thở chầm chậm cho đến khi đạt tới trạng thái thiền định. Tưởng tượng bạn đang dâng danh sách đó lên đấng tối cao và quên hết mọi thứ.
5. Thể Hiện Sự Biết Ơn.
Ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, thái độ biết ơn có thể giúp bạn nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm khác giúp bạn mở rộng trải nghiệm của bản thân vượt xa nỗi đau thực tại. Thậm chí khi bạn cảm thấy mất mát quá nhiều, hãy dành thời gian để nhận thức những gì bạn đang có, đặc biệt là những thứ không thuộc về vật chất như tình bạn, sức khoẻ hay thời tiết dễ chịu.
Dành một khoảng thời gian mỗi ngày để suy nghĩ về điều bạn biết ơn: có thể bạn biết ơn vì đã có một chú chó, con cái, ánh hoàng hôn đẹp, lần đi dạo thoải mái, hay một cuộc gọi với chị gái. Hãy dành chút thời gian để thể hiện lòng biết ơn với những điều đó.
Nhớ lại thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời bạn, giờ bạn đang đứng đây tức là bạn đã vượt qua quãng thời gian khó khăn và đen tối đó. Trước đó bạn có thể chịu đựng điều này thì bây giờ cũng vậy.
6. Hãy Kiên Cường.
Sự kiên cường gắn liền với quá trình thích nghi với sự thay đổi, dù là tạm thời, dài hạn hay tình huống khủng hoảng. Hãy quan sát bức tranh toàn cảnh và đừng nghĩ rằng khó khăn sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng sẽ kết thúc và bạn sẽ vượt qua.
Sự kiên cường không phát triển khi bạn đã giải tỏa hết căng thẳng trong cuộc sống, chúng phát triển khi bạn đối mặt với căng thẳng và có đủ thời gian và điều kiện để phục hồi.
Ví dụ, bạn bị gãy chân và không thể đi lại trong một thời gian. Sự kiên cường được thể hiện ở đây chính là tìm cách thích nghi với tình huống mới, chẳng hạn như chăm chỉ tập vật lý trị liệu để lấy lại sức mạnh cho đôi chân, hoặc tập đi lại bằng xe lăn hay nạng. Bạn phải hiểu được bản thân là người chiến thắng, cho dù năng lực của bạn có thể không còn như xưa.
Suy nghĩ về khó khăn trong quá khứ và những kinh nghiệm đúc kết được. Nhiều người nói rằng họ thấy tự tin vào khả năng của bản thân hay biết ơn cuộc sống nhiều hơn. Bạn phải hiểu được rằng luôn có những kinh nghiệm được đúc kết sau mỗi khó khăn.
Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM