Bài học lãnh đạo từ người hướng nội: Vượt qua khó khăn để gặt hái thành công

CEO của website công nghệ thời trang Polyvore Jess Lee từng trải qua quãng thời gian khó khăn phát triển sản phẩm của mình chỉ vì cô là người hướng nội, thế nhưng mọi thứ đã thay đổi

Vào ngày 7/11/2012, Jess Lee đăng một bài trên blog của mình với tựa đề “Tại sao các doanh nhân khởi nghiệp thường không hạnh phúc”. Trong đó, cô đã mô tả lại trải nghiệm tạo dựng nên trang web công nghệ thời trang Polyvore, và những thử thách mà mình gặp phải khi là một CEO hướng nội

Vào lúc đó, Polyvore đang sinh lời và sắp đạt mức 20 triệu người truy cập mỗi tháng. Công ty đã gọi vốn được 14 triệu USD vào đầu năm đó (và sau này đạt tổng số là 20 triệu USD). Công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi này đang chứng tỏ mình là một câu chuyện thành công.

Nhưng ngay cả như thế, Lee nói rằng cô vẫn phải vật lộn với những khoảnh khắc “cực kỳ bất hạnh” – một điều mà cô cho rằng hết sức phổ biến ở những người khỏi nghiệp bất kể tính cách họ ra sao, bởi đây là một con đường hết sức khốc liệt và đầy bất ổn.

Cô kể rằng, sự hướng nội đã ngăn cản cô giải quyết bất hạnh đó ở một phương diện đặc biệt. Vì cô rất ghét networking và mở mang quan hệ, nên hầu như không tham gia các hoạt động như vậy ở Polyvore trong những năm đầu. Khi nhớ lại, cô cho rằng đó là một trong những sai lầm lớn nhất của mình:

Không có được sự tương tác với những doanh nhân khởi nghiệp khác nên nguồn dữ liệu về startup duy nhất mà tôi tìm được là từ TechCrunch, vốn chứa đầy những câu chuyện thành công chỉ sau một đêm và những bài báo tích cực giả dối.

Vì thế, mỗi vấn đề Polyvore gặp phải cứ như ngày tận thế với tôi. Sau khi bắt đầu nói chuyện với những thành viên sáng lập khác, tôi được hưởng lợi từ trí tuệ, sự khích lệ và những giải pháp gợi ý của họ. Đó là một sự giải thoát lớn lao cho sức khỏe tinh thần của tôi.

4 năm sau, vào Thứ hai, ngày 7/11/2016, Lee trở thành thành viên góp vốn (partner) nữ đầu tiên của Quỹ đầu tư Sequoia Capital.

Như vậy sau 8 năm rưỡi xây dựng Polyvore (và bán cho Yahoo với giá hơn 200 triệu USD vào năm 2015), Lee đã quyết định cô muốn trở thành người tư vấn cho các doanh nhân khởi nghiệp khác.

Lee đã tìm ra được cách vượt qua nỗi sợ khi phải tham gia networking bằng cách dẫn theo một chuyên viên giao tiếp xã hội cùng cô đến các sự kiện. Trong khi cô lo phần của mình là phát biểu với tư cách CEO, cô cũng nhận thấy rằng nhờ trao cơ hội cho các nhân viên và yêu cầu họ lên phát biểu, cô đã cho họ một cơ hội thể hiện bản thân tuyệt vời.

“Tôi không nghĩ là mình thích hợp với khuôn mẫu của một CEO truyền thống”, cô viết trong phần tự giới thiệu về mình. “Về mặt tính cách và các kỹ năng cần thiết, rõ ràng hướng nội không phải là phẩm chất của một CEO truyền thống. Tìm ra được cách để bước tiếp với đúng con người mình, không hề gượng ép, đã góp phần rất lớn trong việc định hình con người của tôi ngày hôm nay”.

Chẳng hạn, thay vì tổ chức các cuộc họp nhóm thường xuyên, Lee hay gặp mặt trực tiếp từng người trong công ty. Nhờ vậy cô có nhiều thời gian hơn để hiểu họ, và các nhân viên có cơ hội để cho cô biết về mọi vấn đề nếu xảy ra.

Lee nhấn mạnh rằng cách này chỉ có tác dụng khi người lãnh đạo sẵn sàng tỏ ra minh bạch với các nhân viên. “Khi bạn coi những người lãnh đạo là thành thực và nói chuyện cởi mở về thất bại (chứ không chỉ thành công) của họ, điều đó tạo nên một môi trường thực sự thoải mái, nơi mọi người có thể tiếp cận bạn mà không cảm thấy áp lực gì. Nếu mọi người thấy bạn cũng dễ bị tổn thương như họ, thì họ sẽ thành thực với bạn hơn và đó là một phần khiến cho người lãnh đạo trở nên gần gũi hơn với các nhân viên”.

Theo Lee thì Reed Hastings của Netflix là một hình mẫu lãnh đạo “rất thành công khi tỏ ra là một người mình thường”. Sau thất bại với Qwikster, tiếp đó là thảm họa PR và giá cổ phiếu sụt giảm, ông vẫn hết sức cởi mở và tự tin nói về chuyện đó… và điều đó thực sự dễ chịu. “Khi một lãnh đạo dám nói về điều đó (thất bại), người ta sẽ thấy tin tưởng bạn hơn”.

Đình Vân

ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO