Cụm từ “đối nhân xử thế” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc sống. Ông bà ta cũng nhiều lần khuyên răn: “Ở đời sống phải biết đối nhân xử thế con ạ”. Ứng xử sao cho thông minh, khôn khéo được ví như một “nghệ thuật”. Không chỉ vậy, nó còn là kỹ năng sống, bí quyết giúp mọi người thành công hơn trong mọi lĩnh vực.
Đối nhân xử thế – bài học cả đời
Đối nhân xử thế là gì? Hiểu đơn giản, đó là cách đối xử với mọi người ở đời. Hành xử, ứng xử sao cho phải, cho vừa lòng người là chuyện không phải dễ. Người biết xử lý khéo léo, tinh tế trong mọi tình huống là người biết mình biết người, biết ăn ở với người khác hợp tình hợp lý. Những người đối nhân khéo, xử thế hay thường được người khác quý mến và tôn trọng. Những người này cũng thường rất nhanh nhạy, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Đối đãi với người khác ra sao, xử lý những tình huống như thế nào là những bài học cực kỳ ý nghĩa và thiết thực. Và chúng ta phải rèn luyện suốt cả cuộc đời chứ không phải học trong ngày một, ngày hai. Người xưa đã đúc kết nhiều câu nói rất hay về chủ đề này.
Cách đối nhân xử thế thông minh trong các hoàn cảnh
Mỗi hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống sẽ cần cách “đối nhân xử thế” khác nhau.
Đối nhân khéo, xử thế hay trong môi trường công sở
Công sở vốn là môi trường phức tạp, đôi khi lắm thị phi. Làm sao để luôn giữ thái độ đúng mực, cư xử cho người ta “tâm phục khẩu phục”? Hãy lưu ý một số điều dưới đây:
Hãy luôn bình tĩnh, tự tin khi trình bày quan điểm. Trong công việc, không thể tránh khỏi những bất đồng với sếp hay đồng nghiệp. Thay vì tranh cãi gây bất hòa, hãy cư xử khéo tế nhị. Có thể là gặp riêng người ta để ngồi nói chuyện góp ý, trình bày lý lẽ thuyết phục.
Tôn trọng đồng nghiệp, tránh tự cao tự đại xem mình giỏi hơn, xem thường ý kiến của người khác. Mỗi người có nền tảng học vấn, văn hóa khác nhau, do vậy quan điểm khác nhau là bình thường.
Không nói xấu đồng nghiệp. Nếu không hài lòng, nên thẳng thắn và tế nhị góp ý. Không cố tình chia bè kéo cánh,…
Với các nhà tuyển dụng, đối xử khéo léo còn thể hiện ở việc đơn giản: từ chối ứng viên. Nếu thấy ứng viên không đạt, không phù hợp, họ có thể gửi mail phản hồi. Kèm theo đó là lời cảm ơn, xin lưu lại hồ sơ để liên lạc khi có nhu cầu,… Rõ ràng, chỉ kèm theo vài từ cũng khiến người nhận cảm thấy thoải mái. Trong khi đó, nhiều công ty chọn cách “bặt vô âm tín”.
Đối nhân xử thế trong kinh doanh
Ứng xử trong môi trường kinh doanh thường khá đa dạng. Có rất nhiều mối quan hệ: Doanh nhân – xã hội, Doanh nhân – khách hàng, Doanh nhân – đối tác,… Các mối quan hệ này có thể nảy sinh nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối,… Dù là mối quan hệ gì thì cũng cần tôn trọng lẫn nhau và chủ động trong các tình huống.
“Chưa bị khách hàng la mắng, chưa phải là người kinh doanh”, – câu nói vui trong giới. Có rất nhiều lý do khiến khách hàng than phiền, bực mình, khó chịu. Trong tình huống này, đừng tỏ ra khó chịu, lời qua tiếng lại làm lớn chuyện. Bạn có thể bị mất khách rất nhanh đấy. Hãy bình tĩnh, lắng nghe ý kiến khách hàng. Hãy cho họ thấy là bạn đang nỗ lực giải quyết vấn đề.
Hoặc khi đối thủ tung ra các chiêu trò, đợt khuyến mãi lớn hòng câu kéo khách. Bạn sẽ tìm cách hạ bệ hoặc chơi xấu họ? Tại sao không dành thời gian nghiên cứu, tập trung vào chất lượng, những điểm mạnh của sản phẩm? Hãy làm cho khách hàng tin yêu sản phẩm, dịch vụ của mình. Như vậy, dù giá có đắt hơn đối thủ thì khách hàng cũng tự hiểu “đắt sắt ra miếng”.
Trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, họ thường tìm hiểu kỹ các bên, tránh những xung đột đối đầu. Các bên đưa ra quyết định trên tinh thần giữ chữ Tình, trên cơ sở các bên đều có lợi.
Đối nhân khéo, xử thế hay trong giáo dục
Trẻ mầm non còn rất nhỏ chưa biết phải trái đúng sai. Cư xử phải thật khéo, tinh tế để các bé không cảm thấy tổn thương. Chẳng hạn, có cô giáo thẳng thừng vạch ra các lỗi lầm của bé, không phát phiếu bé ngoan mà không có lời động viên. Điều này khiến bé xấu hổ, tổn thương và về nhà còn bị mẹ trách giận. Lâu dần, bé có thể cảm thấy tự ti, không thích giao tiếp,…
Các thầy cô nên tôn trọng học sinh, dù các em lớn hay nhỏ. Hãy tin tưởng vào sự hướng thiện của các em. Nếu các em mắc sai lầm, không nên phê phán nặng nề. Hãy chỉ ra những điều không tốt, nêu cao những ưu điểm, mặt tích cực. Hãy góp ý những thiếu sót của học sinh với thái độ chân thành và giàu yêu thương,… Có không ít những trường hợp từ học sinh hư, bướng bỉnh trở nên ngoan ngoãn, chăm học. Bí quyết đơn giản nằm ở sự yêu thương, tận tình, cư xử khéo léo của các thầy cô.
18 lời khuyên đối nhân xử thế của người xưa
1. Dĩ hòa vi quý
Sống lạc quan, xem trọng sự yên ổn, tôn trọng lẫn nhau, đối xử hài hòa
2. Khống chế tức giận cũng là một loại năng lực
Trút tức giận ra ngoài là bản năng, kìm nén được tức giận là bản lĩnh
3. Tính toán ít, hài lòng nhiều
Phiền não lớn nhất của đời người là so đo với những thứ không có ý nghĩa. Khi ta khóc vì không có giày để đi, hãy nghĩ đến những người không có chân để đứng.
4. Đừng tranh biện với kẻ ngốc
Đừng mất thời gian, tâm trí tranh cãi với kẻ ngốc. Bằng không, sẽ không biết ai mới là kẻ ngốc.
5. Đừng cậy tài
Người thông minh, có tài luôn tỏ ra bình thường, giản dị mới là người khôn khéo.
6. Việc nhỏ không nhẫn sẽ loạn đại mưu
Những người làm việc lớn thường là người có tâm nhẫn nhịn.
7. Giữ thể hiện cho người khác chính là giữ thể hiện cho chính mình
Khi bạn làm mất thể diện của người khác, cuối cùng, người bị tổn hại chính là bản thân bạn. Đừng bao giờ làm tổn thương lòng tự trọng của người khác. Đừng tùy tiện làm mất thể diện của họ.
8. Biết lúc khôn, biết lúc dại, biết thời biết thế. Nhìn chung là biết rõ thời
Biết ở đây là biết tùy lúc mà ứng biến cho phù hợp. Nếu chỉ khư khư một mình thì rất dễ hỏng việc.
9. Đừng vì việc nhỏ mà tức giận
Tính cách tốt là bộ trang phục tốt nhất trong các mối quan hệ. Tức giận sẽ không thể làm tốt việc, đồng thời còn làm tổn hại bản thân.
10. Biết để cho mình một đường lùi khi làm bất cứ việc gì
Phải biết phòng thân, tính cho mình đường lùi khi gặp việc này việc kia
11. Làm người phải có lòng biết ơn
Mỗi người cần tự học cách biết ơn: biết ơn trời đất, biết ơn cha mẹ, anh chị em,… Biết cảm ơn sẽ giúp lòng tràn đầy tình yêu thương. Đây là bài học đối nhân xử thế căn bản ai cũng nên biết.
12. Đối với người khác, đừng quá cầu toàn, trách cứ
Quá nghiêm khắc với người khác cũng chính là quá nghiêm khắc với chính mình. Phải có lòng khoan dung, độ lượng và biết suy nghĩ cho người khác. Luôn trách cứ người khác sẽ khiến bản thân bị cô lập, tứ bề khốn đốn.
13. Xem chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không
Hãy tránh xa thói quen không tốt “chuyện bé xé ra to”. Mọi chuyện đều có cách giải quyết, phải tĩnh tâm và có bản lĩnh vững vàng.
14. Giữ chữ tâm trong ứng xử
Tâm nhận biết được đúng sai thì có thể xử sự được quyết đoán.
15. Độ lượng hơn người sẽ giúp thành tựu được đại nghiệp phi phàm
Khoan dung là đại pháp bảo giúp thành lập mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, khiến con người trở thành người khí phách, to lớn.
16. Thận trọng từ lời nói đến việc làm
“Họa từ miệng mà ra”, hãy chú ý lời ăn tiếng nói tới hành động.
17. Cảm kích và thông cảm
Dùng khoan dung để đối đãi với mọi người. Cảm kích bạn bè vì những sự giúp đỡ của họ. Cảm kích đối thủ vì họ là người giúp bạn trở nên kiên cường hơn.
18. Quý trọng duyên phận
Duyên phận có tốt có xấu, quý trọng duyên phận tốt cũng đừng bài xích duyên phận xấu.
Không quá sớm hay quá muộn để học cách đối nhân xử thế. Học hỏi những cái hay của người ta, đồng thời học cách loại bỏ những cái dở của mình. Có như vậy, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp hơn rất nhiều.
Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM