Six Sigma là gì?
Six Sigma là một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê với mục đích giảm thiểu tỷ lệ sai sót hay khuyết tật đến mức hoàn hảo nhất bằng cách xác định và loại trừ các nguyên nhân gốc trong các quy trình. Phương pháp Six Sigma tập trung nhận diện và nắm bắt tường tận các yêu cầu của khách hàng và vì thế có tính định hướng khách hàng rất cao. Six Sigma chia thành các cấp độ sau:
Cấp độ Sigma |
Lỗi phần triệu |
Lỗi phần trăm |
Một Sigma |
690.000,0 |
69,0000% |
Hai Sigma |
308.000,0 |
30,8000% |
Ba Sigma |
66.800,0 |
6,6800% |
Bốn Sigma |
6.210,0 |
0,6210% |
Năm Sigma |
230,0 |
0,0230% |
Sáu Sigma |
3,4 |
0.0003% |
Mục tiêu của Six Sigma là chỉ có 3,4 lỗi (hay sai sót) trên mỗi một triệu khả năng gây lỗi. Nói cách khác, hoàn hảo đến mức 99,99966%.
Six Sigma không phải là một hệ thống quản lý, đo lường chất lượng sản phẩm như ISO 9001, hay là một hệ thống chứng nhận chất lượng. Đây là một hệ phương pháp giúp giảm thiểu sản phẩm khuyết tật dựa trên việc cải tiến quy trình. Nghĩa là thay vì chú trọng kiểm tra lỗi trên sản phẩm đầu ra, doanh nghiệp nên tập trung cải thiện quy trình sản xuất và tìm ra các nguyên nhân gây sai sót, điều chỉnh thích hợp để các khuyết tật không xảy ra.
Hệ phương pháp Six Sigma dựa trên tiến trình mang tên DMAIC: Define (Xác Định), Measure (Đo Lường), Analyze (Phân Tích), Improve (Cải Tiến) và Control (Kiểm Soát).
BLACK BELT LÀ CHUYÊN VIÊN VÀ RẤT QUAN TRỌNG TRONG VIỆC VẬN HÀNH SIX SIGMA
Black Belt sau khi được huấn luyện chuyên sâu về kĩ năng, kiến thức về phân tích, thống kê, quản lí dự án, xây dựng nhóm cùng với kinh nghiệm ở lĩnh vực chuyên môn sẽ được cấp chứng nhận. Ngoài ra Black Belt cũng huấn luyện và dẫn dắt các Green Belt.
Những công cụ 6 Sigma quan trọng
Để triển khai 6 Sigma thành công, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ những công cụ 6 Sigma. Bài viết này sẽ giới thiệu một số công cụ dựa theo tiến trình DMAIC.
Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu tiên, cần Xác định (Define) những vấn đề như mục tiêu của dự án, phạm vi dự án, giá trị phân bổ cho khách hàng…những công cụ 6 Sigma được sử dụng trong giai đoạn này bao gồm: Project Charter, Lưu đồ chuỗi giá trị – Value Stream Mapping, Process Flowchart, FMEA, Stakeholder Analysis, Ma trận/ Phân tích nhân quả – Cause & Effect Matrix, DMAIC Work Breakdown Structure, Voice of the Customer…
Giai đoạn 2
Trong giai đoạn Đo lường (Measure) nên sử dụng các công cụ 6 Sigma như: Process Flowchart, Cause & Effect Matrix, FMEA, Data Collection Plan/Example, Benchmarking, Measurement System Analysis, Gage R&R, Voice of the Customer Gathering, Process Sigma Calculation…
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn Phân tích (Analyze) các thông số, dữ liệu để đánh giá tại sao vấn đề lại xảy ra và cái nào là nguyên nhân gốc gây ra sản phẩm khuyết tật. Ở giai đoạn này nên sử dụng các công cụ 6 Sigma như Histogram, Pareto Chart, Time Series/Run Chart, Scatter Plot, Cause and Effect/Fishbone Diagram, 5 Whys, Process Map Review and Analysis, Statistical Analysis,… để thu hẹp các yếu tố X (nguyên nhân)
Giai đoạn 4
Các công cụ 6 Sigma trong giai đoạn Cải tiến (Improve) gồm Brainstorming, Mistake Proofing, Design of Experiments, House of Quality, Failure Modes and Effects Analysis (FMEA), Simulation Software… nhằm mục đích thử nghiệm các thiết kế, các giải pháp mới và loại bỏ triệt để những nguyên nhân gốc.
Giai đoạn 5
Cuối cùng tại giai đoạn Kiểm soát (Control), sử dụng các công cụ 6 Sigma như Process Sigma Calculation, Biểu đồ kiểm soát – Control Charts (Variable and Attribute), Cost Savings Calculations, Control Plan để tính toán chi phí tiết kiệm được trong dự án, lập kế hoạch bàn giao quy trình…Và cuối cùng là để đóng dự án!
Triển khai Six Sigma
Six Sigma được hình thành bởi tập đoàn Motorola vào năm 1986 và sau đó tập đoàn General Electric (GE) đã ứng dụng thành công vào thập niên 90 và phổ biến trên khắp thế giới từ đó. Ngày nay, rất nhiều tổ chức như Honeywell, Citigroup, Motorola, Starwood Hotels, DuPont, Dow Chemical, American Standard, Kodak, Sony, IBM, Ford đã triển khai các chương trình Six Sigma xuyên suốt các hoạt động kinh doanh đa dạng từ sản xuất công nghệ cao cho đến dịch vụ và các hoạt động tài chính.
Mặc dù chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam nhưng một vài công ty có vốn đầu tư nước ngoài như SONION, American Standard, Ford, LG và Samsung đã đưa chương trình Six Sigma vào triển khai áp dụng.
Thành công của Ford Việt Nam
Năm 2000, Công ty Ford Việt Nam đã bắt đầu triển khai Six Sigma trong 200 dự án để cải tiến quy trình trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Kết quả vào năng 2007, Ford đã tiết kiệm được 1.2 triệu USD và chỉ số hài lòng của khách hàng đạt mức trên 90%/ năm
Đấy là kết quả “trong mơ” cho tất cả các doanh nghiệp!
Một trong các dự án Six Sigma thành công nhất của Ford Việt Nam là giảm lượng container chở linh kiện nhập khẩu vào năm 2005. Xác định được nguyên nhân gây hao phí là do các thùng chứa linh kiện xe hơi trong các container còn rất nhiều khoảng trống, Ford đã sắp xếp và tận dụng tối đa không gian còn trống theo phương pháp cải tiến Six Sigma
Tuy chỉ là dự án cỏn con ấy mà đã tiết kiệm cho Ford 150.000USD trong năm 2005 và góp phần không nhỏ trong gia tăng lợi nhuận cho công ty mẹ
Và trong một khảo sát gần đây do công ty DynCorp1 thực hiện đã cho thấy:
- Khoảng 22% trong tổng số các công ty được khảo sát tại Mỹ đang áp dụng Six Sigma;
- 38,2% trong số các công ty đang áp dụng Six Sigma là các công ty chuyên về các ngành dịch vụ, 49.3% là các công ty chuyên về sản xuất và 12.5% là các công ty thuộc các lĩnh vực khác;
- So sánh trên phương diện hiệu quả, Six Sigma được đánh giá là cao hơn đáng kể so với các hệ thống quản trị chất lượng và công cụ cải tiến qui trình khác (tuy nhiên, Six Sigma ở đây còn bao gồm nhiều công cụ chưa được liệt kê trong khảo sát này)
Hệ thống phần mềm đóng vai trò gì khi triển khai Six Sigma?
Bên cạnh vai trò quan trọng của các chuyên gia Six Sigma cũng có một số yếu tố khác đóng vai trò quan trọng không kém trong việc triển khai Six Sigma. Một trong các yếu tố đó là hệ thống phần mềm đang ngày càng trở nên phổ biến và không thể tách rời trong quá trình thực hiện Six Sigma
Vai trò của Hệ thống phần mềm trong triển khai Six Sigma
Dường như các doanh nghiệp bị phụ thuộc quá nhiều vào chuyên môn và kỹ năng của các chuyên gia Six Sigma, nhưng lại quên mất các quyết định trong Six Sigma đều liên quan đến việc cải tiến chất lượng dựa trên các số liệu thống kê thu thập được. Và để tính toán những số liệu ấy nhanh chóng thì hệ thống các phần mềm là lựa chọn tối ưu nhất
Hơn nữa, đôi khi các chuyên gia cũng sẽ bị các yếu tố khác tác động làm ảnh hưởng đến việc thu thập và xử lý số liệu. Vì vậy, để tránh các tác động xấu đến kết quả, các doanh nghiệp đang có xu hướng tin tưởng sử dụng hệ thống phần mềm nhiều hơn
Xu hướng tương lai
Như với tất cả các công cụ cải tiến chất lượng và kỹ thuật, triển khai Six Sigma cũng sẽ ngày càng phụ thuộc vào hệ thống phần mềm tiên tiến. Tuy nó không phải là yếu tố chính nhưng chắc chắn nếu các quy trình kinh doanh ngày càng phổ biến và phức tạp hơn thì việc sử dụng các hệ thống phần mềm là phương án tối ưu nhất trong triển khai Six Sigma.
Phần mềm thực sự giúp ích gì?
Trên thực tế là hệ thống phần mềm được sử dụng ở mọi giai đoạn trong triển khai Six Sigma.
Từ giai đoạn ban đầu như thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân loại và phân tích cho đến các quyết định quan trọng như cân nhắc các bên liên quan, xử lý những thay đổi cải tiến… hệ thống phần mềm được ứng dụng xuyên suốt để đảm bảo rằng tất cả mọi thứ được thực hiện một cách chính xác nhất và hiệu quả nhất.
Quyết định nâng cao chất lượng phải dựa vào các nguồn dữ liệu chính xác và đáng tin cậy, hệ thống phần mềm giúp làm giảm đáng kể xác suất sai sót. Trong thực tế, nó kết hợp hoàn hảo các kỹ năng chuyên nghiệp với các dữ liệu quan trọng và thông tin trong quá trình kinh doanh và đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu và mong đợi của khách hàng
Hệ thống phần mềm giúp ích như thế nào?
Hệ thống phần mềm được chứng minh là một sự trợ giúp tuyệt vời, vì các quy trình kinh doanh hiện nay ngày càng phức tạp, tạo ra các số liệu thống kê đồ sộ không thể được tóm tắt và đánh giá bằng tay. Hệ thống phần mềm có khả năng xử lý dữ liệu rất lớn chỉ trong vòng vài giây, mà vốn dĩ phải mất cả tháng nếu thực hiện bằng tay
Các chuyên gia có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời nhờ vào hệ thống phần mềm này. Điều này rất cần thiết trong tình hình cạnh tranh khốc liệt như ngày này và tất nhiên những người đi trước thường là những người chiến thắng
Các loại hệ thống phần mềm
Có rất nhiều hệ thống phần mềm có thể ứng dụng váo việc triển khai các dự án Six Sigma, nhưng nếu nhìn kĩ thì chúng được chia thành 2 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất bao gồm các hệ thống phần mềm xử lý các số liệu thu thập được và nhóm thứ hai là các phần mềm xử lý số liệu và đưa ra đánh giá
Hiệu quả của mô hình Lean 6 Sigma tích hợp
Mô hình Lean 6 Sigma là mô hình kết hợp áp dụng đồng thời Lean và Six Sigma. Mô hình này mang lại hiệu quả nhân đôi khi vừa loại bỏ hao phí vừa giảm thiểu lỗi sai.
Mô hình Lean 6 Sigma là một trong các công cụ hữu hiệu hiện nay giúp xác định và giảm thiểu các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng (Non Value-Added) được nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới ứng dụng như: Toyota, Motorola, GE,… đem lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong vấn đề cải tiến chất lượng.
Áp dụng mô hình Lean 6 Sigma sẽ giúp tổ chức chủ động phát hiện, giảm thiểu lãng phí và các biến động trong quá trình cung cấp dịch vụ, tối ưu hóa giá trị cho khách hàng, rút ngắn thời gian cung cấp nhằm đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh vượt trội và tăng trưởng một cách bền vững.
Mô hình Lean 6 Sigma tích hợp các triết lý của Lean và 6 Sigma, các phương pháp và quá trình được kết hợp hỗ trợ với nhau:
- Khung thực hiện của mô hình Lean 6 Sigma là 6 Sigma, nhưng cách tiếp cận theo Lean được sử dụng đặc biệt trong việc thiết lập các mục tiêu và phương pháp triển khai dự án cải tiến;
- PDCA của Lean và DMAIC của 6 Sigma có thể được sử dụng kết hợp linh hoạt.
- Các công cụ phân tích quá trình, xác định chuỗi các hoạt động có giá trị, Phân tích sự biến đổi của quá trình, có thể dùng đồng thời;
- Tăng tốc và giảm tối thiểu lãng phí có thể đạt được khi quá trình ổn định với mức biến đổi nhỏ.
Hai cách tiếp cận kết hợp cùng nhau tạo thành một chiến lược quản lý rất hiệu quả. Một phương pháp quản lý nhằm giảm thiểu chi phí, một phương pháp nhằm nâng cao chất lượng các quá trình và giảm sự biến đổi của sản phẩm/dịch vụ cung cấp. Với mỗi mô hình, các công cụ, phương pháp kỹ thuật cụ thể sẽ cần được lựa chọn để kết hợp với nhau, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
6 lợi ích không ngờ Six Sigma có thể mang lại cho doanh nghiệp
Six Sigma là phương pháp quản lý cho phép doanh nghiệp sử dụng dữ liệu để loại bỏ lỗi sản phẩm trong quy trình sản xuất. Một quy trình ứng dụng thành công Six Sigma thì phải không có bất kì lỗi gì ngoài những quy cách kĩ thuật khách hàng yêu cầu, và thường ở mức 3,4 lỗi trên một triệu khả năng gây lỗi.
Six Sigma hoạt động dựa trên việc sử dụng hai phương pháp khác là DMAIC và DMADV. DMAIC là viết tắt của Define (Xác định), Measure (Đo lường), Analyze (Phân tích), Improve (Cải tiến), Control (Kiểm Soát) và được sử dụng cho những quy trình đã có. Còn DMADV được sử dụng cho những quy trình mới, là viết tắt của Define (Xác định, Measure (Đo lường), Analyze (Phân tích), Design (Thiết kế), và Verify (Xác minh).
Việc thực hiện Six Sigma đem lại rất nhiều lợi ích cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 6 lợi ích chính mà phương pháp này có thể mang lại cho bất kì doanh nghiệp nào.
Amy Harris, Quản lý Cộng đồng của trang web Expert Market (một website kinh doanh đã hợp tác với các nhà cung cấp Six Sigma), đưa ra 6 lợi ích mà Six Sigma có thể đem đến cho doanh nghiệp.
#1 Cải thiện lòng trung thành của khách hàng
Mọi danh nghiệp đều muốn giữ chân các khách hàng của mình. Đây quả thực là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của một công ty. Nhưng sự trung thành của khách hàng và việc có thể giữ chân được họ tất nhiên chỉ có thể đến từ mức độ hài lòng của khách hàng phải cao.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân mà phần lớn khách hàng không quay lại một doanh nghiệp cũ là do sự thiếu hài lòng trong việc trải nghiệm sản phẩm và thái độ của nhân viên. Thường thì một công ty còn chẳng biết mình có khách hàng không hài lòng vì họ đơn giản là đi làm ăn với một doanh nghệp khác.
#2 Quản lý thời gian hiệu quả
Áp dụng Six Sigma trong doanh nghiệp có thể giúp nhân viên quản lý thời gian hợp lý hơn, khiến việc kinh doanh hiệu quả và nhân viên làm việc năng suất hơn. Doanh nghiệp sử dụng Six Sigma đòi hỏi phải đề ra những mục tiêu theo tiêu chí SMART (Specific: cụ thể, Measurable: lường được, Achievable: có thể đạt được, Relevant: thích đáng, Time bound: có giới hạn thời gian) và áp dụng những nguyên tắc dữ liệu của Six Sigma vào những mục tiêu này bằng cách xem xét 3 điều quan trọng sau: kiến thức, hiệu suất và hoàn thành.
Chẳng hạn như về kiến thức, một người đang áp dụng phương pháp Six Sigma sẽ tự hỏi rằng: những lần gián đoạn có thường xuyên khiến bị sao lãng khỏi công việc chính không, hay có bao nhiêu lần gián đoạn này cần chú ý đến?
Tương tự như vậy, về hiệu suất, họ có thể xem xét những ứng dụng của họ giúp ích như thế nào đến việc hoàn thành mục tiêu. Những người áp dụng Six Sigma có thể lập một kế hoạch hoạt động, mà kết quả có thể khiến cho đến 30% nhân viên làm việc hiệu quả hơn, hạnh phúc hơn và cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân tốt hơn
#3 Giảm thời gian chu trình
Phần lớn các công ty dự án lao vào việc kéo dài thời hạn ban đầu của họ bởi vì có những thay đổi trong phạm vi dự án hay có sự thay đổi trong chính sách quản lý.
Bằng cách áp dụng Six Sigma, một doanh nghiệp có thể lập ra một đội hình bao gồm những nhân viên có kinh nghiệm từ mọi cấp độ trong doanh nghiệp và từ những ban chức năng khác. Nhóm nhân viên này có nhiệm vụ nhận diện ra những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian chu trình.
Những người này có thể được phân công để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề đó. Phương pháp này cho phép doanh nghiệp cắt giảm thời gian quy trình, và bám vào kế hoạch làm việc, mà nhiều công ty báo cáo là thời gian quy trình giảm đến 30%.
#4 Thúc đẩy nhân lực
Nếu mọi doanh nghiệp có ý định thành công thì nhân viên cần phải cư xử đúng cách. Nhưng để nhân viên làm được như vậy thì họ cần phải được thúc đẩy. Thực vậy, nhiều tổ chức sẵn sàng dấn thân cùng nhân viên họ đã cho thấy năng suất làm việc tăng lên từ 25-50%.
Chia sẻ những công cụ và kỹ thuật giải quyết vấn đề Six Sigma tạo điều kiện cho nhân viên phát triển và tạo nên môi trường và hệ thống cho việc thúc đẩy nhân lực.
#5 Lập kế hoạch chiến lược
Six Sigma là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một tầm nhìn chiến lược. Một khi doanh nghiệp của bạn đưa ra một tuyên bố chiến lược và thực hiện việc phân tích SWOT, thì Six Sigma có thể giúp doanh nghiệp tập trung vào những lĩnh vực phát triển.
Ví dụ như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp bạn là trở thành người đi đầu về chi phí trên thị trường thì Six Sigma có thể áp dụng để cải tiến các quy trình bên trong, làm tăng lợi nhuận, loại bỏ khó khăn không cần thiết, đạt được và duy trì chi phí thấp nhất cho hợp đồng với các nhà cung cấp. Thật ra cho dù chiến lược kinh doanh của bạn là gì thì Six Sigma cũng giúp cho doanh nghiệp bạn vận hành tốt nhất.
#6 Quản lý chuỗi cung ứng
Như đã đề cập, mục tiêu của Six Sigma là để mức phát sinh lỗi thấp hơn 3,4 lỗi trên một triệu khả năng gây lỗi, và những nhà cung cấp có ảnh hưởng lớn đến việc doanh nghiệp bạn có đạt được mục tiêu này hay không. Một cách có thể làm giảm nguy cơ gây ra lỗi là áp dụng Six Sigma để giảm số lượng nhà cung cấp mà doanh nghiệp bạn đang hợp tác.
Cũng rất quan trọng khi biết nhà cung cấp cho bạn có dự định thực hiện các thay đổi gì. Chẳng hạn như một thay đổi trong máy móc có ảnh hưởng giống như những gợn sóng mà một hòn sỏi ném vào hồ. Doanh nghiệp thành công nhất là khi đem những cải tiến Six Sigma càng tiến xa vào chuỗi cung ứng thì càng tốt
Những trở ngại khi triển khai Six Sigma
Các nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các dự án Six Sigma trong quá khứ thường là do nhóm Six Sigma không thể xác định những nơi tắc nghẽn trong quá trình thực hiện. Mặc dù nhóm Six Sigma bao gồm nhiều nhân viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia Six Sigma như Black Belt và Master Black Belt, nhưng họ cũng có thể bỏ lỡ một số khía cạnh quan trọng.
Từ những bài học đó trong quá khứ, các công ty ngày nay đang chú trọng vào việc xác định tắc nghẽn thực hiện trước khi triển khai Six Sigma. Bằng cách xác định tắc nghẽn trước, đội Six Sigma và doanh nghiệp có thể đảm bảo khai thác đầy đủ các lợi ích thông qua quy trình Six Sigma
Tại sao lại gặp trở ngại?
Lý do hay gặp trở ngại trong triển khai Six Sigma thường là do quy trình đưa ra quyết định còn nhiều thiết sót. Các loại trở ngại khác nhau và tần suất gặp chúng tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp và số lượng của các quá trình đó hiện có. Quá trình xác định tắc nghẽn khá phức tạp vì chúng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào.
Những tắc nghẽn thường gặp trong doanh nghiệp nhỏ
Mặc dù Six Sigma được áp dụng trong cả doanh nghiệp lớn cũng như nhỏ, nhưng trở ngại hay gặp nhất ở các tổ chức nhỏ là do không có đủ nguồn lực để triển khai có hiệu quả. Khi quyết định thực hiện Six Sigma, các doanh nghiệp nhỏ thường mắc vào một số hạn chế như thiếu nguồn lực đầy đủ,tiềm lực và tài chính, người lao động bất mãn vì họ phải làm việc thêm giờ trong suốt giai đoạn thực hiện. Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc thuê các chuyên gia Six Sigma, những người quan trọng đối với sự thành công của việc triển khai Six Sigma.
Các doanh nghiệp này rất khó khăn để tăng tốc độ quá trình thực hiện, vì họ phải phối hợp các nghĩa vụ và giám sát việc thực hiện dự án cùng một lúc. Những hạn chế này khiến nảy sinh vấn đề khác như không có sẵn các công cụ và phương pháp cần thiết để triển khai có hiệu quả và kịp thời các dự án Six Sigma. Những hạn chế cũng làm tăng nguy cơ tạo ra các giải pháp lỗi thời và không hiệu quả nhằm thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ, quá trình kinh doanh. Ngoài ra, những hạn chế này kéo dài chu kỳ triển khai, vì có thể do lỗi bắt đầu xảy ra ở giai đoạn triển khai ban đầu khiến các giai đoạn sau bị ảnh hưởng theo
Một vài trở ngại thường gặp trong giai đoạn triển khai
Lựa chọn dự án kém thường là nguyên nhân sâu xa gây nên tắc nghẽn trong giai đoạn triển khai và có thể dẫn đến tắc nghẽn trong tất cả các giai đoạn sau. Trong giai đoạn “Define”, tổ chức không xác định rõ các mục tiêu thực sự của dự án, do đó tạo nên ra các vấn đề trong quá trình triển khai thực tế. Trong giai đoạn “Measure”, tắc nghẽn phát sinh do thiếu hệ thống đo lường phù hợp và do thời gian bị mất trong quá trình thu thập dữ liệu. Trong quá trình “Design”, vấn đề phát sinh do thiếu ý tưởng cải tiến thiết kế sáng tạo. Trong giai đoạn “Control”, tắc nghẽn có thể xảy ra do không tuân thủ nguyên tắc VOC (tiếng nói của khách hàng) – nguyên tắc quan trọng cho sự thành công của bất kỳ dự án Six Sigma nào.
Doanh nghiệp muốn loại bỏ các trở ngại nên cân nhắc tất cả các vấn đề trên. Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp triển khai Six Sigma kịp thời, mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp
Những thử thách thường gặp khi triển khai Six Sigma
Phương pháp cải tiến quy trình Six Sigma đã nhận được nhiều tán thưởng trong nhiều năm qua thông qua việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ và quy trình của doanh nghiệp. Phương pháp này giúp giảm thiểu các sản phẩm lỗi, tăng năng suất, lợi nhuận cũng như sự hài lòng của khách hàng.
Tuy nhiên mọi người lại ít đề cập đến các trở ngại có thể xảy ra trong quá trình triển khai Six Sigma. Cho nên bài viết dưới đây sẽ trình bày một số rào cản trong việc triển khai Six Sigma và một số biện pháp khắc phục chúng
Thiếu sự đồng thuận của lãnh đạo
Trong quá khứ có một thử nghiệm về sự đồng thuận của doanh nghiệp trong việc triển khai Six Sigma khi yêu cầu nhà quản trị quyết định ai sẽ tham dự vào dự án. Họ đã đề cử nhân viên nào đó vào vị trí lãnh đạo dự án Six Sigma thay vì đề cử những ai có kiến thức và tăng để cống hiến và nỗ lực cho dự án. Như vậy nghĩa là họ đang làm giảm tỷ lệ thành công của dự án Six Sigma. Vì một dự án Six Sigma thành công đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải là những người sẵn sàng dành thời gian, tài năng và tiền bạc cho dự án.
Phân công nhân sự để triển khai các dự án Six Sigma là trở ngại nhất thời vì phải bố trí lại công việc hiện tại tuy nhiên trong dài hạn nó sẽ mang lại những lợi ích thiết thực từ quy trình Six Sigma
Hiểu biết không đầy đủ về phương pháp Six Sigma
Vì những lợi ích đáng kể từ việc triển khai phương pháp Six Sigma, một số doanh nghiệp đã vội vã tiến hành trước khi nắm vững kiến thức và yêu cầu của Six Sigma. Tình huống này thường xảy ra khi doanh nghiệp thực hiện Six Sigma đơn giản chỉ để chạy theo đối thủ cạnh tranh hoặc để gây ấn tượng với cổ đông trong công ty. Khi doanh nghiệp sử dụng Six Sigma như thay đổi quần áo hoặc thực hiện mà không đáp ứng được những nguồn lực cần thiết thì việc thất bại là hiển nhiên.
Các doanh nghiệp có thể vượt qua trở ngại này bằng cách cam kết ứng dụng toàn bộ quy trình, tuyển dụng và hỗ trợ các chuyên gia Six Sigma để chắc chắn doanh nghiệp đang triển khai đúng chuẩn các phương pháp chứ không chỉ sử dụng các thuật ngữ cho có. Các chuyên gia này cũng chỉ tập trung vào các hoạt động cốt lõi nhất chứ không thay đổi những quy trình đơn giản hay các mục tiêu thấp.
Điều hành kém
Bên cạnh sự trợ giúp đắc lực của các chuyên gia Six Sigma như Champions hay Master Black Belt, chất lượng của dự án Six Sigma cũng sẽ không đạt kết quả như mong muốn nếu nhà quản trị điều hành kém hiệu quả. Điều hành kém xảy ra khi quy trình cải tiến không phù hợp với mục đích của doanh nghiệp, khi dự án chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề chứ không phải đáp ứng các mục tiêu chiến lược hoặc khi dự án cải tiến chỉ tập trung vào kết quả thay vì nguyên nhân.
Khi doanh nghiệp hiểu được phương pháp Six Sigma không hướng đến điều hành mà nó được áp dụng đế phối hợp với mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp nhằm mang lại kết quả cao nhất trong quy trình cải tiến.
Doanh nghiệp đừng thất vọng khi chưa thấy đầu tư nhiều mà năng suất mang lại không cao hay nghĩ rằng phương pháp này không hiệu quả. Thay vào đó hãy xem xét lại yếu tố trên để cân nhắc và điều chỉnh hợp lý, khi đó tỉ lệ thành công của dự án Six Sigma sẽ tăng lên đáng kể
Tạm kết
Có thể nhận thấy được Six Sigma đem lại rất nhiều lợi ích về cả kinh tế và danh tiếng cũng như các phương diện khác. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang theo đuổi hệ phương pháp trên. Tuy nhiên để vận hành, triển khai Six Sigma thành công cần rất nhiều nguồn lực khác nhau và sự chuẩn bị, cân nhắc kĩ càng. Vậy doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng cho Six Sigma chưa?
Tác giả: JARED MUNK
Tham khảo: www.sixsigmadaily.com