Làm Thế Nào Để Không Trở Thành Một Người Nhạt Nhẽo Trong Giao Tiếp?
Bạn không cần phải giao thiệp với quá nhiều người hay cố gắng liều lĩnh để trở nên thú vị. Điều quan trọng nhất chính là cách bạn hào hứng, sẵn sàng đón chờ những gì mà cuộc sống mang lại. Nếu bạn không hứng thú với bất kì điều gì, hãy đứng trước gương và tự hỏi: "Là do thế giới nhàm chán, hay đã đến lúc bạn cần thay đổi?"
Tôi đã từng phỏng vấn hơn 100 người ở mọi địa vị khác nhau, dù đây là một công việc thú vị nhưng thực sự đôi lúc tôi cũng phải cố gắng ngăn mình phát ra tiếng thở dài chán nản. Dù có trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, khi tìm hiểu về một ai đó, tôi luôn quan tâm đến các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của họ, từ đó không những sẽ thấy được cách họ đương đầu với sóng gió, mà còn thấy được cách họ nhìn nhận thành công của bản thân.
Đôi lúc, tôi cảm thấy chán ngấy trong những màn khoe khoang thành tích của người đối thoại, hoặc dễ dàng quên đi một ai đó vì sự tương tác không hiệu quả. Chắn chắn sẽ không một ai muốn mình trở thành một người dễ quên hay một ứng cử viên nhạt nhòa.
Bạn không cần phải lao vào những thử thách mạo hiểm để biến mình trở nên thú vị hơn
Từ kinh nghiệm phỏng vấn của mình, tôi nhận ra rằng, bản thân sự "êm đềm" đã là một điều thú vị. Nếu một người được ngồi trong văn phòng tôi, chắc chắn họ đủ giỏi, nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là họ đã làm gì để đạt được những thành tựu đáng nể trong CV đó.
Những điều có thể tạo nên một ứng viên thú vị, cũng sẽ có thể tạo nên một cuộc đời thú vị. Chúng ta sẽ bị thu hút bởi danh sách dài những thành tích của đối phương hay bởi những quan điểm mới lạ, độc đáo của họ? Thay vì mức độ "mạo hiểm" của các thách thức bạn tham gia, mọi người sẽ chú ý vào cách bạn nhìn nhận những thử thách ấy để đánh giá con người bạn. Đương nhiên, những người luôn cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn luôn thú vị hơn những người nằm mãi trong vùng an toàn của bản thân.
Đừng làm những điều sau đây nếu bạn không muốn trở thành một "liều thuốc ngủ"
Không "bắt" được cảm xúc của người đối diện
Trừ khi bạn mắc hội chứng rối loạn giao tiếp, hãy trang bị cho mình kĩ năng "đọc" cảm xúc của người khác một cách cơ bản nhất. Những người không có kĩ năng này thậm chí còn không nhận ra rằng họ rất nhàm chán. Những tín hiệu rất rõ ràng như thở dài, mệt mỏi ngả ra ghế và liên tục nhìn đồng hồ vẫn không thể giúp họ nhận ra rằng người nghe đang chán nản và muốn rời đi. Có thể thấy rằng đặc điểm chung của những người nhàm chán chính là họ luôn nói đến khi nào không còn gì để nói mà không hề bận tâm đến cảm xúc của những người xung quanh.
Một người dù thú vị đến đâu cũng sẽ có lúc rơi vào trạng thái "nhạt nhẽo". Tuy nhiên, họ đủ "thú vị" để nhận ra rằng người nghe đang buồn ngủ, từ đó ngay lập tức rút gọn câu chuyện lại hoặc tìm cách khơi dậy sự hứng thú của đối phương.
Quá bận tâm đến suy nghĩ của người khác
Những người "sinh ra để làm hài lòng người khác" này rất nhàm chán bởi lẽ họ không dám thể hiện ý kiến cá nhân vì ngại phải tranh luận với người khác. Việc không có chính kiến trong bất kì chuyện gì không chỉ nhạt nhẽo, mà thậm chí trong công việc nhóm nó có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Trong một nhóm, nếu có một người luôn trả lời: "Ồ, tôi thấy hay đấy"; "Cứ làm theo bạn nghĩ đi" hay "Có vẻ được đấy" thì chắc hẳn họ chẳng hề đóng góp được gì cho công việc!
Một cuộc đối thoại hiệu quả sẽ giúp công việc tiến triển theo một cách hoàn toàn mới lạ. Chúng ta hoàn toàn có thể vẫn chuyên nghiệp và lịch thiệp khi tranh luận với người khác, bởi lẽ nét đổi mới bắt nguồn từ sẻ chia, trong khi đình trệ được tạo ra từ sự thỏa hiệp mù quáng.
Luôn suy nghĩ theo hướng tiêu cực
Đây là có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của những con người nhàm chán. Tất nhiên, than thở khi có chuyện gì đó không tốt xảy ra là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng sẽ không còn bình thường nếu nó trở thành cách họ đối mặt với vấn đề. Những người nhàm chán luôn than thở thay vì đi tìm kiếm giải pháp, họ quan tâm đến việc thể hiện cảm xúc cá nhân hơn là hiệu quả công việc.
Phàn nàn là chuyện dễ, đứng dậy hành động mới là việc khó. Những người không muốn đi tìm giải pháp đồng nghĩa với việc họ không dám tiến về phía trước. Than thở là cách để trải lòng, tuy nhiên nó sẽ mãi kìm chân họ trong vùng an toàn của bản thân. Trên đời này không có gì nhàm chán hơn việc ngồi xem một người mãi quẩn quanh trong khó khăn của chính mình.
Cho rằng mọi người đều nhạt nhẽo trừ mình
Đây chính là một dạng khác của tính tự phụ. Hơn 55% giám đốc phụ trách tuyển dụng đều đồng ý rằng sự "vô tư" quá mức chính là thứ khiến ứng viên bị loại. Họ không có chí tiến thủ, không cần những thử thách mới và cũng không hề muốn kết nối với mọi người.
Đây là kiểu người không hề có ý định chia sẻ điều gì trong đám đông, và cũng không tỏ ra niềm nở khi ai đó đến bắt chuyện. Đồng thời, họ sẽ không ngần ngại thể hiện sự mệt mỏi và chán chường ngay lập tức khi câu chuyện không tiến triển theo ý muốn. Người thú vị là một người biết lắng nghe và chia sẻ với người khác.
Luôn "yên vị" trong vùng an toàn
Chúng ta đều sẽ gặp những người luôn hài lòng với vùng an toàn của mình, họ sợ hãi trước sự thay đổi và tạo dựng những mối quan hệ mới. Họ luôn ngụy biện bằng những câu như: "Tôi nghĩ đó không phải gu của mình đâu" hay "Tôi thấy như hiện giờ rất ổn rồi mà". Từ chối là một kĩ năng cần thiết, nhưng nếu luôn từ chối mọi thứ, thì nó sẽ trở thành sự sợ hãi.
Kiểu người này vô tình đã tự dựng lên một "nhà tù" giam cầm chính mình, sống một cuộc đời an toàn nhưng tầm thường. Quanh đi quẩn lại họ chỉ nói về một vài câu chuyện, một vài chủ đề vì đơn giản họ không hề có được thêm trải nghiệm nào khác để kể.
Hãy dùng năng lực của bản thân để phá bỏ giới hạn của mình
Bạn không cần phải giao thiệp với quá nhiều người hay cố gắng liều lĩnh để trở nên thú vị. Điều quan trọng nhất chính là cách bạn hào hứng, sẵn sàng đón chờ những gì mà cuộc sống mang lại. Nếu bạn không hứng thú với bất kì điều gì, hãy đứng trước gương và tự hỏi: "Là do thế giới nhàm chán, hay đã đến lúc bạn cần thay đổi?"
Trường Đào Tạo Kỹ Năng Quản Lý SAM