Kinh nghiệm quản lý nhân viên trẻ

Người trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, ước mơ và khát vọng thể hiện mình. Người trẻ luôn dồi dào năng lượng và sẵn sàng thử thách trong công việc. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp thường thích tuyển nhân viên trẻ bên cạnh việc sử dụng những lão làng đã có kinh nghiệm.

Kinh nghiệm quản lý nhân viên trẻ

 

Nhưng cũng chính vì còn quá trẻ, quá non nớt và nông nổi nên để định hướng, quản lý nhân viên trẻ không dễ, nếu doanh nghiệp không chú trọng rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm mà mình đã đúc kết được bằng chính trải nghiệm và sự quan sát của bản thân để các bạn tham khảo.

1. Làm rõ các quy định làm việc từ đầu

Người trẻ thường thiếu kinh nghiệm, họ làm việc cảm tính và ít theo quy trình có sẵn, chính vì vậy họ thường gặp không ít sai lầm. Để tránh việc này, ngay từ đầu bạn nên nêu rõ các quy định, điều kiện làm việc cho nhân viên từ buổi phỏng vấn để họ chuẩn bị tinh thần và lên kế hoạch cụ thể. Như vậy nhân viên sẽ biết phải làm gì, làm như thế nào cho chuẩn với quy trình của doanh nghiệp bạn, cũng đảm bảo hiệu quả công việc tốt hơn.

2. Đưa ra những nhiệm vụ cụ thể

Đừng đưa cho nhân viên trẻ một lời yêu cầu mơ hồ hay bản kế hoạch đại khái, thay vào đó là một nhiệm vụ cụ thể, có mục tiêu, thời hạn rõ ràng. Như vậy họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi mọi công việc đều có lịch trình đều đặn, các buổi họp đều có chương trình rõ ràng, các mục tiêu đều được xác định cụ thể và tiến triển công việc được đánh giá kịp thời.

3. Cho phép họ trải nghiệm nhiều công việc một lúc

Người trẻ luôn khao khát khám phá và thể hiện bản thân, chính vì vậy họ thường có xu hướng muốn thử nhiều việc một lúc. Xem xét khả năng và trao cho họ một số công việc liên quan trong tầm kiểm soát là một điều rất tốt để khai thác toàn bộ tiềm nằng của họ. Nhưng bạn nên giám sát thường xuyên để xem tiến độ và hiệu quả để có điều chỉnh phù hợp.

4. Quản lý nhân viên trẻ bằng việc tạo không khí làm việc năng động

Người trẻ thường thích những gì sôi động náo nhiệt, họ không muốn bị gò bó vào khuôn khổ với những quy định, phép tắc quá khắt khe. Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo họ thực hiện đúng quy định làm việc bạn cũng nên tạo một bầu không khí tươi trẻ, tạo tâm lý thoải mái cho họ. Đó có thể là những hoạt động ngoại khóa, kỉ niệm dịp đặc biệt hay là chương trình giải trí nho nhỏ giữa giờ. Việc làm này không chỉ khiến nhân viên thích ứng nhanh hơn với môi trường doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội cho mọi người gắn kết các mối quan hệ, xây dựng sự bền chặt cả về công việc lẫn tình cảm.

5. Quan tâm đến công việc và đời sống của nhân viên

Quản lý nhân viên trẻ đừng dùng những hình thức cứng ngắc với các quy định khô khan, chẳng những không mang lại hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng, khơi gợi ý muốn phản nghịch của họ. Thay vào đó hãy trở thành một vị sếp thấu hiểu, luôn sẵn sàng quan tâm và giúp đỡ nhân viên trong khả năng có thể cả vấn đề công việc và đời sống.

Đôi ba câu hỏi han về tình hình công việc của họ, đưa ra các gợi ý, giải đáp các thắc mắc. Hay là những lời chúc chân thành, một vài món quà quan tâm, câu hỏi thăm sức khỏe cũng sẽ để lại ấn tượng tốt về bạn trong tâm trí họ. Họ sẽ cảm thấy tin tưởng, cảm thấy mình được coi trọng và sẽ cống hiến hết mình.

Nhưng nên nhớ, tất cả cần xuất phát từ chân tâm, đừng vì chút lợi ích mà giả tạo để lấy lòng nhân viên. Chính bạn cũng sẽ không thoải mái khi làm như vậy mà đến lúc bị phát hiện thì mọi việc chỉ ê chề thêm mà thôi.

Quản lý nhân viên trẻ không hề dễ, đòi hỏi bạn cần có sự khéo léo trong cách ứng xử, biết lúc nào thì cứng lúc nào thì mềm để dẫn họ vào đúng quy trình của doanh nghiệp. Hãy là người lãnh đạo có một cái đầu lạnh và một trái tim ấm!

Theo Báo Người lao động
ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO